Mùa hè thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh Dại bùng phát mạnh nhất, đỉnh điểm vào khoảng tháng 5 đến tháng 8. Tuy nhiên, hiện nay người dân ở nhiều địa phương vẫn chưa nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh Dại và rất chủ quan trong việc nuôi thả động vật, đặc biệt là chó, mèo, dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh Dại.
Bệnh Dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, một khi đã phát bệnh thì tỷ lệ tử vong là 100%. Theo số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 01 ca tử vong do Dại tại xã Quảng Đức, huyện Hải Hà. Đồng thời, ghi nhận 06 ổ dịch Dại trên chó tại 4 địa phương: Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà.
Tính đến hết tháng 6, toàn tỉnh có tổng số 3315 trường hợp tiêm vắc xin phòng bệnh Dại, tăng 1383 trường hợp so với năm 2022 (71,58%). Trong đó có 178 trường hợp cần chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại, tăng 36 trường hợp so với năm 2022.
Ở nước ta, chó là nguồn truyền bệnh Dại cho người nhiều nhất chiếm 96% (bao gồm cả chó nhà và chó thả rông). Chó nuôi trong nhà vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh dại từ nguồn bệnh dại thiên nhiên. Năm 2020, tại huyện Hải Hà ghi nhận trường hợp một con chó cảnh đã được tiêm phòng dại, tuy nhiên vẫn bị dại nên người dân không được chủ quan.
Trong trường hợp bị con vật nghi dại tấn công, người dân tuyệt đối không tự chữa, không sử dụng các phương pháp thử dại hoặc sử dụng thuốc nam. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Ngay sau khi bị động vật cắn cần rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường, dầu gội, bột giặt,…. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để phòng chống bệnh dại. Sau đó sát khuẩn bằng cồn 40° – 70° hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết thương. Không làm dập nát vết thương, không khâu kín hoặc băng kín vết thương. Đặc biệt không nặn máu vết thương vì sẽ làm dập nát các mô xung quanh vết thương làm cho virus xâm nhập nhanh hơn và sâu hơn. Sau khi xử lý những bước ban đầu, người dân ngay lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại kịp thời.”
Người mắc bệnh Dại thường có thời gian ủ bệnh khoảng 1-3 tháng sau phơi nhiễm, nhưng cũng có trường hợp ủ bệnh lên tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí vết cắn và số lượng virus xâm nhập cơ thể qua vết cắn. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Do đó, người dân không được chủ quan khi bị động vật cắn, cần đi tiêm vắc xin phòng bệnh Dại càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe bản thân. Không có thời gian giới hạn để tiêm phòng Dại. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không tự chữa, không nhờ thầy lang khám chữa, không sử dụng các phương pháp thử Dại hoặc sử dụng thuốc nam để điều trị. Bệnh Dại chỉ có thể xét nghiệm được ở các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế công bố đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, để chủ động phòng, chống bệnh Dại, người dân cần thực hiện quản lý chó, mèo theo hướng dẫn của cơ quan thú y: Tiêm phòng 100% cho đàn chó, mèo, khai báo chó, mèo nuôi với chính quyền địa phương, nuôi chó phải xích, nhốt, ra đường phải đeo rọ mõm; Khi phát hiện trường hợp chó nghi Dại, chó cắn nhiều người, hoặc nhiều chó, mèo trên địa bàn ốm, chết không rõ nguyên nhân cần báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan y tế hoặc thú y trên địa bàn.