Bệnh phổi tắc nghẽn (COPD) là gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh lý hô hấp khiến người bệnh khó thở vì đường thở bị hẹp so với bình thường và có thể dẫn đến suy hô hấp, tử vong. COPD là bệnh thường gặp có thể dự phòng và điều trị triệu chứng, đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường thở tiến triển ngày càng nặng dần, liên quan tới phản ứng viêm bất thường của đường thở và nhu mô phổi bởi các phần tử và khí độc hại.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây mắc COPD
– Hút thuốc lá: là nguy cơ chính, có tới 80-90% người bệnh COPD có hút thuốc, bao gồm cả thuốc lá, thuốc lào, và xì gà.
– Ô nhiễm môi trường nơi ở: từ chất đốt sinh ra do đun nấu, và sưởi ấm trong nhà không thông thoáng; đây là yếu tố nguy cơ thường gặp ở phụ nữ ở các nước đang phát triển.
– Không khí ô nhiễm bên ngoài:khí thải xe hơi, bụi từ nhà máy công nghiệp cũng góp phần gây COPD.
- Yếu tố di truyền:đột biến gen SERPINA1, gây thiếu hụt alpha-1 antitrypsin, bệnh thường khởi phát sớm trước 40 tuổi, đặc biệt khi có hút thuốc lá.
– Tình trạng kinh tế xã hội: có liên quan đến nguy cơ mắc COPD có thể do tình trạng ô nhiễm không khí nơi ở và môi trường bên ngoài, thiếu dinh dưỡng, nhiễm trùng.
– Hen phế quản có thể là một yếu tố nguy cơ gây giới hạn luồng khí thở và tiến triển dần thành COPD.
– Lao phổi đã được chứng minh là yếu tố nguy cơ gây COPD
Triệu chứng của COPD
+ Ho kéo dài: có thể kèm theo khạc đờm hoặc không.
+ Có những đợt viêm phế quản cấp tái diễn, biều hiện bằng ho khạc đờm tăng.
+ Khó thở: tiến triển tăng dần theo thời gian, tồn tại liên tục, cảm giác như thiếu không khí, hụt hơi, phải gắng sức để thở, tăng lên khi gắng sức hoặc nhiễm khuẩn hô hấp.
– Tùy theo mức độ của bệnh, có thể thấy:
+ Giai đoạn sớm khám đa số bình thường; Nếu bệnh nhân có khí phế thũng có thể thấy lồng ngực hình thùng, gõ vang, rì rào phế nang giảm.
+ Giai đoạn muộn, có thể thấy: Nói ngắn hơi, co kéo cơ hô hấp phụ cả lúc nghỉ ngơi; Biến dạng lồng ngực kiểu hình thùng, gõ vang; Nghe phổi thấy thông khí giảm, có thể có ran rít, ran ngáy; Có thể có triệu chứng của suy tim phải như phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi.
Biến chứng của COPD?
Nếu không phát hiện điều trị sớm và không tuân thủ điều trị bệnh diến biến nặng dần và kèm theo các biến chứng với nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng và nguy kịch tính mạng với các biến chứng như sau:Tăng áp động mạch phổi, Nhiễm trùng đường hô hấp, Giảm cân và các bệnh lý đồng mắc khác.
Các biện pháp phòng ngừa COPD
Bỏ thuốc lá và tránh xa các chất kích thích: Hút thuốc là yếu tố nguy cơ chính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Theo một số nghiên cứu, những người hút thuốc có nguy cơ mắc COPD cao hơn 10 lần so với những người không hút thuốc. Vì vậy, cách hiệu quả nhất để phòng ngừa COPD là nói không với hút thuốc lá.
Tiêm phòng vacxin cúm hàng năm vào đầu mùa thu và vacxin phế cầu 1 lần trong đời. Nhất là bệnh nhân trên 65 tuổi và có rối loạn thông khí nặng trở lên.
Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: Bụi bẩn, phấn hoa, lông thú, khói nhiên liệu…, là những tác nhân khiến các triệu chứng COPD dễ tái phát. Cần luôn giữ cho không khí ở nơi sinh sống luôn sạch sẽ, thông thoáng.
Thời tiết thay đổi: Những thay đổi về nhiệt độ và thời tiết có thể làm cho các triệu chứng COPD trở nên tồi tệ hơn. Theo nghiên cứu, không khí lạnh, khô hoặc nóng có thể gây bùng phát các triệu chứng COPD. Do đó, khi thời tiết trở lạnh, trở gió, hãy che miệng, mũi cẩn thận khi ra ngoài.
Tránh tình trạng nhiễm trùng hô hấp: Nhiễm trùng đường hô hấp rất nguy hiểm đối với những người bị COPD vì nó ảnh hưởng đến phổi và đường hô hấp. Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn nên rửa tay thường xuyên và đảm bảo rằng họ đã được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cần thiết.
Đặc biệt, với người cao tuổi mắc bệnh COPD, để phòng ngừa bệnh tái phát, giảm nguy cơ biến chứng nên hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với khói thuốc, các hóa chất, khói bụi độc hại. Người bệnh COPD nên duy trì luyện tập các bộ môn thể thao như đạp xe, đi bộ
Ngoài việc luyện tập, người bệnh COPD cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn đồ loãng, nóng, thức ăn mềm dễ hấp thu. Chế độ ăn cần đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây, rau xanh. Khi bệnh tái phát hoặc diễn biến nặng thì nên đến cơ sở y tế thăm khám ngay.
Cao Nhung, TTYT Tiên Yên