Bệnh thủy đậu là gì?
Thủy đậu (bệnh trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ nhỏ do virus varicella (VZV) gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Bệnh thường bùng phát dịch vào mùa xuân khi thời tiết nồm, ấm.
Thủy đậu có lây không?
Bệnh thủy đậu được xác định lây qua đường hô hấp thông qua không khí, giọt bắn từ người bị bệnh, tiếp xúc với mụn nước của người bệnh. Ngoài ra, dùng chung đồ cá nhân, ăn uống chung bát đũa cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Triệu chứng của thủy đậu qua từng giai đoạn
– Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài từ 10 – 20 ngày.
– Giai đoạn khởi phát: Bệnh nhân thường gặp các biểu hiện như sốt nhẹ, mệt mỏi, nhức đầu, phát ban đỏ sau 24 – 48h, viêm họng, nổi hạch sau tai,..
– Giai đoạn toàn phát: Bệnh nhân bắt đầu sốt cao, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ. Các nốt ban đỏ bắt đầu có những nốt phỏng nước hình tròn, đường kính từ 1 – 3 mm. Các mụn nước gây ngứa và rát và khó chịu.
– Giai đoạn phục hồi: Sau từ 7 – 10 ngày phát bệnh, các mụn nước sẽ tự vỡ ra, khô lại và bong vảy dần hồi phục trở lại.
Những biến chứng nguy hiểm
Đối với người bình thường:
– Nhiễm trùng, bội nhiễm từ mụn nước để lại sẹo
– Viêm phổi, viêm não – màng não
– Zona thần kinh, hội chứng Guillain-barre (liệt chi, liệt toàn thân)
– Viêm võng mạc, hội chứng Reye (hôn mê, co giật, vàng da, gan to, phù não, xuất huyết nội tạng,.. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
Đối với phụ nữ có thai:
– Biến chứng viêm phổi (40%)
– Con sinh ra gặp các hội chứng như: thủy đậu bẩm sinh, đầu nhỏ, bệnh võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển,..
Cách phòng bệnh
– Giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể
– Không dùng chung đồ với người mắc bệnh
– Không tiếp xúc trực tiếp với mụn nước của người bệnh
– Cách ly người bệnh với các thành viên khác trong gia đình và cộng đồng
– Tiêm phòng là cách tốt nhất phòng tránh lây nhiễm hiệu quả và lâu dài.
Với trẻ em việc tiêm ngừa vắc xin thủy đậu càng quan trọng. Nếu gia đình có trẻ nhỏ hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế uy tín để tiêm theo đúng liều lượng quy định. Lịch tiêm gồm:
Trẻ em từ 12 tháng đến 12 tuổi:
Mũi 1: Khi trẻ 12 tháng tuổi.
Mũi 2: Khi trẻ 4 – 6 tuổi.
Thanh thiếu niên từ 13 tuổi trở lên (Chưa mắc bệnh thủy đậu lần nào):
Mũi 1: Liều đầu
Mũi 2: Cách mũi 1 từ 4 – 8 tuần.
Phụ nữ chuẩn bị mang thai:
Đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai nếu chưa bị thủy đậu hoặc chưa được tiêm phòng thủy đậu, cần tiêm phòng 2 mũi vắc-xin thủy đậu, trong đó, 1 mũi tại thời điểm tùy ý và mũi sau cách mũi 1 từ 4 – 8 tuần. Nếu đã được tiêm phòng thủy đậu 1 mũi hồi nhỏ chỉ cần tiêm nhắc lại 1 mũi trước khi chuẩn bị mang thai 03 tháng.