Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng mạnh vào mùa lạnh và thời điểm giao mùa. Cúm mùa là loại bệnh lý truyền nhiễm qua đường hô hấp từ các chủng virus khác nhau. Các chủng virus gây cúm ở người thường gặp được chia thành 3 nhóm chính là A, B, C. Trong đó cúm A được xem là phổ biến, có mức độ nguy hiểm và nguy cơ lan rộng thành dịch bệnh truyền nhiễm.
Cúm mùa là một bệnh lý do siêu vi trùng gây ra, có các biểu hiện như chảy nước mũi, nghẹt mũi, kèm với các triệu chứng toàn thân và các triệu chứng khác như đau cơ và sốt (có thể không có hoặc biểu hiện nhẹ). Nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh cúm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đang tạng và thậm chí tử vong.
Triệu chứng của cúm mùa
Triệu chứng cúm mùa thường xuất hiện sau thời gian ủ bệnh từ 1 – 4 ngày, bao gồm:
Toàn thân: Sốt cao (thường trên 38°C), ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ và khớp.
Đường hô hấp: Ho khan, đau họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
Ngoài ra, cúm có các triệu chứng khác là nhức đầu, đau mắt, đôi khi buồn nôn hoặc tiêu chảy (đặc biệt ở trẻ em).
Triệu chứng cúm có thể kéo dài từ 3 – 7 ngày. Tuy nhiên, ho và mệt mỏi có thể kéo dài vài tuần sau khi bệnh khỏi.
Dấu hiệu cần nhập viện ngay
– Sốt cao liên tục không giảm, kèm theo rét run.
– Khó thở, thở dốc hoặc đau tức ngực.
– Lơ mơ, li bì hoặc co giật.
– Không uống được nước, nôn nhiều, hoặc mất nước.
– Các triệu chứng nặng hơn sau vài ngày hoặc không cải thiện sau 5-7 ngày.
Lưu ý đặc biệt: Phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, người già hoặc người có bệnh mãn tính (tim mạch, hô hấp, tiểu đường) cần thăm khám sớm khi mắc cúm. Không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh hoặc các thuốc không được kê đơn!
Phòng ngừa cúm mùa, bảo vệ bạn và gia đình
– Tiêm vaccine cúm là phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tiến triển nặng.
– Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn. Che miệng khi ho/hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay. Tránh chạm tay lên mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay.
– Hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bệnh bằng cách tránh tiếp xúc gần với người nghi ngờ mắc cúm. Nên ở nhà nếu có triệu chứng cúm để hạn chế lây lan.
– Cải thiện môi trường sống đảm bảo không gian sống thoáng khí, sạch sẽ. Giữ ấm cơ thể trong mùa đông.
Cao Nhung, TTYT Tiên Yên