Hiện nay cùng với sự phát triển của hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản và trình độ dân trí của người dân được nâng cao thì tình trạng đẻ rơi rất ít gặp. Tuy nhiên trong một số rất ít trường hợp chúng ta vẫn còn gặp tình trạng đẻ rơi.
Đẻ rơi là tình trạng sinh đẻ không nằm trong kế hoạch và không dự đoán trước được, xảy ra ngoài ý muốn và thường diễn ra ở những điều kiện không đảm bảo an toàn. Mặc dù thai phụ đã được xác định ngày sinh dự đoán nhưng trong những giai đoạn cuối của thai kỳ, do có những bất thường đột ngột nên có thể bắt gặp tình trạng bà mẹ đẻ rơi con trên những người phụ nữ mang thai với những vị trí khác nhau và xảy ra trước ngày sinh dự đoán
Trước một trường hợp đẻ rơi, cần phải thực hiện theo các bước sau:
- Trước hết phải nhanh chóng giải phóng thai nhi ra khỏi quần hoặc váy áo của sản phụ
- Cần trải tấm ni-lông, vải sạch, khăn sạch ngay tại nơi bà mẹ đẻ rơi và đặt trẻ sơ sinh nằm vào đó
- Ủ ấm trẻ bằng bất cứ thứ gì có thể có được ở người mẹ và người xử trí can thiệp như khăn, áo, giấy báo…
- Tìm một sợi dây nhỏ, mềm, bất cứ là loại dây gì như dây rút, dây xé từ vạt áo hay khăn tay, dây buộc đồ đạc… để buộc chặt dây rốn càng xa nơi của phần dây rốn ở bụng trẻ sơ sinh càng tốt( Lưu ý không được cắt rốn)
- Chuyển trẻ sơ sinh cho người mẹ ôm sát vào người để hạn chế tình trạng trẻ bị nhiễm lạnh
- Tìm mọi cách chuyển hai mẹ con đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được chăm sóc tiếp tục. Tại cơ sở y tế, người mẹ sẽ được lấy bánh rau ra, theo dõi và xử trí tình trạng chảy máu, nhiễm khuẩn; trẻ sơ sinh sẽ được thực hiện việc buộc lại dây rốn đúng kỹ thuật . Cả mẹ lẫn con sẽ được chăm sóc, theo dõi và tiêm phòng giống như các trường hợp bà mẹ sinh tại cơ sở y tế.
Đẻ rơi chủ yếu gặp ở những khu vực miền núi xa xôi khi người dân vẫn còn giữ những tập quán tự sinh đẻ tại nhà hoặc không có đủ kiến thức về sinh đẻ an toàn, hoặc cũng có thể là những trường hợp ngoài ý muốn. Vì vậy, chúng ta cần biết được cách xử lý khi đẻ rơi để có thể giúp sản phụ cũng nhi trẻ sơ sinh đảm bảo an toàn trong quá trình chuyển đến cơ sở y tế chuyên môn.