Các chuyên gia y tế cảnh báo, bệnh cúm A là một trong những loại cúm mùa có biểu hiện giống với cúm thông thường, nhưng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Mặc dù triệu chứng ban đầu không quá khác biệt, nhưng nếu chủ quan, bệnh có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, đặc biệt là ở trẻ em và người cao tuổi.
Sự thay đổi thời tiết là yếu tố tạo cơ hội cho cúm A lây lan
Thời tiết mùa Đông Xuân luôn thay đổi thất thường, tạo điều kiện lý tưởng cho virus cúm A phát triển mạnh mẽ. Trong những ngày gần đây, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên đã tiếp nhận hàng loạt bệnh nhân từ nhiều độ tuổi khác nhau đến khám vì các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, chảy nước mũi… Tuy nhiên, không ít người bệnh lại tự ra hiệu thuốc mua thuốc kháng sinh về uống mà không đi khám ngay. Điều này thường dẫn đến việc không cải thiện triệu chứng, thậm chí còn khiến bệnh nặng hơn và khó chữa trị.
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, khoa Truyền nhiễm của Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân mắc cúm mùa A, trong đó có cả người lớn và trẻ em.
Cúm A có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị đúng cách
Bác sĩ CKI Trịnh Thị Tâm- trưởng khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên cho biết: “Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus gây ra, có khả năng lây nhiễm rất cao và dễ bùng phát mạnh trong cộng đồng. Nếu không điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, thậm chí là phải nhập viện điều trị.”
Đặc biệt, trong thời gian giao mùa hoặc những dịp lễ Tết, khi nhiều người tập trung đông đúc, nguy cơ lây lan cúm càng cao. Ngoài ra, sự thay đổi thất thường của thời tiết nóng, lạnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển mạnh mẽ.
Hướng dẫn cách phòng tránh cúm A hiệu quả
Để bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa bệnh cúm, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện một số biện pháp phòng bệnh chủ động:
Thực hiện lối sống lành mạnh: Tăng cường vận động thể chất, giữ tinh thần thoải mái, và ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng.
Đeo khẩu trang khi ra ngoài: Nhất là khi đến nơi đông người hoặc khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Vệ sinh cá nhân thường xuyên: Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Che miệng khi ho, hắt hơi: Để giảm nguy cơ phát tán dịch bệnh ra môi trường xung quanh, hãy sử dụng khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần.
Không tự ý mua thuốc điều trị: Khi có triệu chứng cúm như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, người dân không nên tự ý mua thuốc kháng sinh hay thuốc điều trị mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Điều này không những không có tác dụng mà còn có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc.
Tiêm vaccine cúm hàng năm: Đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, người có bệnh lý nền, hoặc những người suy giảm miễn dịch (ví dụ bệnh nhân HIV). Việc tiêm vaccine cúm sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng nghiêm trọng.
Cúm A là bệnh có thể lây lan nhanh chóng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Mỗi người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Đừng quên, tiêm vaccine cúm hàng năm là cách hiệu quả nhất để phòng tránh bệnh.
Cao Nhung, TTYT Tiên Yên