Vàng da sơ sinh là do một chất gọi là bilirubin (được tạo ra trong cơ thể) tăng cao trong máu và biểu hiện bằng sự đổi màu vàng của da và mắt. Đây là vấn đề thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh trong 2 tuần đầu đời và là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ phải nhập viện lại sau khi sinh.
Trong hầu hết các trường hợp, vàng da thường là nhẹ, thoáng qua, tự giới hạn và khỏi mà không cần điều trị, gọi là vàng da sinh lý. Tuy nhiên, cần phải phân biệt với tình trạng vàng da nặng hơn gọi là vàng da bệnh lý. Việc không xác định và điều trị chậm trễ vàng da bệnh lý có thể dẫn đến bệnh não do bilirubin và các di chứng thần kinh liên quan.
Điển hình ngày 7/8/2024 Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên tiếp nhận một trẻ sơ sinh 7 ngày tuổi. Được biết cháu bé sinh tại Trung tâm, sinh thiếu tháng (36 tuần), sau sinh cháu bị vàng da. Các bác sĩ đã tư vấn để cháu ở viện chiếu đèn nhưng gia đình không đồng ý và cho cháu về điều trị tại nhà.
Hiện tại cháu nhập viện với biểu hiện vàng da toàn thân, màu da sậm, sốt, bú kém và li bì. Sau thăm khám và kết quả các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ đánh giá trẻ có nguy cơ vàng da nhân. Đồng thời bác sĩ nhanh chóng xử trí, cấp cứu và chuyển em bé đến bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Tại bệnh viện Sản Nhi các bác sĩ đã cấp cứu, thay máu và điều trị tích cực cho cháu bé.
BS CKI Bế Thị Khang- Trưởng khoa Nhi- Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên cho biết vàng da sơ sinh thường xuất hiện sau sinh do sự gia tăng lượng bilirubin trong máu. Khoảng 50% trẻ sinh đủ tháng và 80% trẻ sinh non tháng bị vàng da. Trẻ càng non tháng, nguy cơ vàng da càng cao. Vàng da nhân là khi chất bilirubin vượt qua giới hạn cho phép, gan không đào thải kịp, thì có nguy cơ thấm vào não tức là trẻ đã bị vàng da nhân. Điều này gây tổn thương não không hồi phục được. Vì thế, nếu xác định vàng da bệnh lý phải điều trị trước 7 ngày sau sinh để phòng nguy cơ tổn thương não.
Lời khuyên dành cho mẹ
Hậu quả của việc không phát hiện và điều trị vàng da kịp thời sẽ dẫn đến vàng da nhân và di chứng để lại có thể là bại não suốt đời, thậm chí tử vong.
Chính vì vậy, để phòng bệnh vàng da tốt nhất chính là trong quá trình mang thai mẹ cần theo đúng lịch khám của bác sĩ. Đặc biệt, các tháng cuối cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để không bị sinh non. Khi có các triệu chứng bất thường cần đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời.
Đối với các trẻ mới chớm vàng da thì có thể tắm nắng ấm mỗi sáng, nhưng nếu trẻ đã vàng da nhiều thì phải sớm đưa trẻ đi khám ở tại cơ sở y tế để được điều trị ngay. Tránh tình trạng điều trị tại nhà hoặc tắm thuốc nam để tình trạng của trẻ ngày một nặng gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Cao Nhung, TTYT Tiên Yên