Tiên Yên là huyện miền Đông tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật mới như kỹ thuật mổ nội soi, mổ kết hợp xương… từ đó đã giúp cho hàng trăm bệnh nhân trên địa bàn và các huyện lân cận không phải đi xa điều trị. Với tiêu chí “Tất cả phục vụ vì bệnh nhân”. Được sự hướng dẫn và đào tạo của Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí và Sở Y tế, Ban giám đốc Trung tâm y tế huyện Tiên Yên đã thành lập đơn nguyên “Chạy thận nhân tạo” trực thuộc khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực- Chống độc. Đây là một bước đột phá, một cơ hội lớn, đem lại niềm vui, sự hài lòng cho nhân dân tại huyện Tiên Yên và các huyện lân cận.
Trước đó, từ tháng 6 – 10/2016, Trung tâm Y tế huyện đã cử 2 kíp tham gia khóa học chuyên môn lọc thận nhân tạo tại bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí với 2 bác sĩ và 6 điều dưỡng tham gia; 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng tham gia khóa học đặt catherter TMTT. Đơn nguyên thận nhân tạo được TTYT Tiên Yên bắt đầu hoạt động từ tháng 11/2016 gồm 04 máy chạy thận nhân tạo và hệ thống nước RO, từ nguồn hỗ trợ của Sở Y tế Quảng Ninh. Hiện khoa CC-HSTC- CĐ của TTYT Tiên Yên đã chủ động được kỹ thuật lọc máu và thận nhân tạo thường quy để đáp ứng được nhu cầu lọc máu chu kỳ cho 7 bệnh nhân suy thận và lọc máu cấp cứu. Đây là bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng thành tựu y học hiện đại vào hoạt động điều trị. Trung bình trung tâm sẽ chạy thận nhân tạo 2 lần mỗi ngày phuc vụ bệnh nhân.
Chạy thận nhân tạo chu kỳ thường chỉ định cho những bệnh nhân mạn tính và tổn thương thận cấp tính( còn gọi là suy thận cấp), ngộ độc cấp và một số trường hợp khác khi có chỉ định của Bác sỹ để lọc máu cấp cứu . Chạy thận là phương pháp điều trị sẽ làm thay đổi 1 số công việc mà thận khỏe mạnh bình thường vẫn làm giúp bệnh nhân có sức khỏe tốt hơn.
Trong căn phòng sạch sẽ, thoáng mát với gần 10 bệnh nhân đang tiến hành chạy thận chu kỳ tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, anh Lý Quang Đức, 35 tuổi thôn Đồi Chè, Xã Hải Lạng huyện Tiên Yên chia sẻ: “Tôi chạy thận được hơn 2 năm. Lúc đầu, tôi thực hiện việc chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Tỉnh, được một thời gian, do điều kiện gia đình cũng không khá giả là bao, lên tuyến trên thì tốn rất nhiều chi phí, tiền xe cộ, ăn ở, đi lại,… vô cùng bất tiện. Từ đầu năm 2017, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên có thêm phòng chạy thận nhân tạo, nên tôi đã chuyển về đây, đó là điều rất may mắn cho tôi vì tôi phải điều trị trong thời gian dài mà được điều trị ở gần nhà. Ngoài ra ở đây các bác sỹ, y tá của trung tâm luôn tận tình hướng dẫn chúng tôi chế độ ăn uống dành riêng cho người suy thận, chăm sóc chu đáo từng bệnh nhân trong quá trình lọc máu”
Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên mới triển khai chạy thận nhân tạo được gần 1 năm, với 4 máy, trung bình 1 tháng trung tâm đã chạy thận cho gần 100 lượt bệnh nhân.
Bác sỹ Nguyễn Thị Việt – Phó khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực- Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên cho biết: “Đối với các bệnh nhân bị bệnh thận mãn tính giai đoạn cuối, để duy trì sự sống thì song song với điều trị nội khoa cần kết hợp 1 trong 3 phương pháp điều trị là chạy thận, lọc màng bụng và ghép thận. Tuy nhiên, chạy thận nhân tạo vẫn là lựa chọn phổ biến nhất hiện nay. Đây là quá trình lọc máu thận chu kỳ mà bệnh nhân phải gắn bó lâu dài, nhằm thanh lọc những chất cặn bã và lượng nước dư thừa trong cơ thể. Trung bình, mỗi bệnh nhân phải thực hiện chạy thận từ 2-3 lần/tuần, mỗi lần chạy từ 3-4 tiếng. Với tần suất điều trị tương đối lớn như vậy, việc có thể điều trị ngay tại địa phương đã đem đến nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh. Không những vậy, máy chạy thận nhân tạo còn có thể đáp ứng kịp thời cho nhu cầu cấp cứu đối với những bệnh nhân bị ngộ độc bởi hoá chất, chất độc… Việc đưa máy lọc thận nhân tạo vào hoạt động tại Trung tâm đã mang lại niềm hy vọng đến với những người bệnh suy thận, đặc biệt là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa phải điều trị bệnh lâu dài. Chúng tôi những Y Bác sỹ ở đây luôn tận tâm hết mình vì sức khỏe của người bệnh, mong rằng người bệnh sẽ có 1 sức khoẻ tốt để trở về với cuộc sống hàng ngày của họ”.
Dù chưa thể bao phủ hết tất cả các địa phương, dù máy chạy thận nhân tạo chỉ đáp ứng được một số lượng bệnh nhân nhất định nhưng với những nỗ lực của ngành Y tế, tâm huyết của các y, bác sĩ chuyển giao kỹ thuật cao về các Trung tâm tuyến huyện nhằm duy trì sự sống của những bệnh nhân bị suy thận. Hy vọng rằng, các địa phương khác trong tỉnh tiếp tục được tiếp nhận máy chaỵ thận nhân tạo, giúp những bệnh nhân suy thận có thêm niềm tin, niềm hy vọng./.
Một số hình ảnh chạy thận nhân tạo tại TTYT Tiên Yên.