Chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm mùa bão lụt

Những ngày gần đây tình hình thời tiết tại Quảng Ninh có nhiều diễn biến phức tạp. Cơn bão số 4 (Noru) dù không đổ bộ trực tiếp vào địa bàn tỉnh, nhưng ảnh hưởng của hoàn lưu bão là không hề nhỏ. Nhiều địa phương trong tỉnh có mưa lớn và bị ngập lụt trên diện rộng. Trong điều kiện thời tiết như vậy, việc đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh là hết sức quan trọng.

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm mùa bão lụt

Bão lụt có thể làm cho nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn bị ách tắc do phương tiện vận chuyển bị hạn chế; nguồn nước dùng để ăn, uống, sinh hoạt bị ô nhiễm nặng. Lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm. 

Mưa lụt khiến môi trường, nguồn nước sinh hoạt ăn uống ảnh hưởng nặng nề

Sau bão lụt, môi trường bị ô nhiễm, cùng với điều kiện vệ sinh kém cũng tạo thuận lợi cho các vi khuẩn, siêu vi, ký sinh trùng xâm nhập vào thực phẩm gây bệnh.

Các dạng ngộ độc thực phẩm và biểu hiện

Theo các chuyên gia nghiên cứu, ngộ độc thực phẩm có thể chia làm 2 loại là ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tính.

Ngộ độc cấp tính là dạng ngộ độc phát tác ngay sau khi ăn với những biểu hiện như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, đi ngoài… Thậm chí, một số trường hợp ngộ độc thực phẩm không được cấp cứu kịp thời còn có thể dẫn đến tử vong.

Ngộ độc mãn tính là dạng ngộ độc không có dấu hiệu rõ ràng và không phát tác ngay sau khi ăn. Ở dạng này, các chất độc sẽ tích tụ ở các bộ phận trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, về lâu dài sẽ dẫn đến ung thư và các bệnh tật nguy hiểm khác.

Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm

Nếu có các biểu hiện ngộ độc xảy ra sau khi ăn thức ăn gây ngộ độc trước 6h thì cần làm cho người bị ngộ độc nôn ra hết thức ăn đã ăn vào. Có thể gây nôn bằng cách: Dùng lông gà ngoáy họng, uống nước mùn thớt, uống nước muối (2 thìa canh muối pha với 1 cốc nước ấm) hoặc uống đầy nước rồi móc họng để kích thích gây nôn.

Tuy nhiên, khi sơ cứu bằng gây nôn cho trẻ, người lớn phải lưu ý móc họng trẻ cho khéo, tránh làm xây xát họng trẻ. Phải để trẻ nằm đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra. Không để trẻ nằm ngửa và nôn vì như vậy có thể gây sặc lên mũi, xuống phổi và rất dễ dẫn đến tử vong. Trong quá trình gây nôn, phải luôn phải khăn để lau chùi. Móc sạch thức ăn trẻ nôn ra rồi dùng khăn mềm lau sạch miệng trẻ.

Với trường hợp ngộ độc xảy ra sau khi ăn phải thức ăn gây độc sau 6h, lúc này chất độc đã bị hấp thu một phần vào cơ thể, thì cần xử trí bằng cách:

Dùng chất trung hòa: nếu người bị ngộ độc do những chất acid có thể dùng những chất kiềm chủ yếu như: nước xà phòng 1%, nước magie oxyt 4%, cứ cách 5 phút cho người bệnh uống 15ml. Tuy nhiên, tuyệt đối không được dùng thuốc muối để tránh hình thành C­­O2 làm thủng dạ dày cho bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày. Nếu người bị ngộ độc do chất kiềm thì cho uống dung dịch acid nhẹ như: dấm, nước quả chua….

Dùng chất bảo vệ niêm mạc dạ dày như:dùng bột mì, bột gạo, sữa, lòng trắng trứng gà, nước cháo…để ngăn cản sự hấp thu của dạ dày, ruột đối với chất độc.

Dùng chất kết tủa:nếu bị ngộ độc kim loại (chì, thủy ngân…) có thể dùng lòng trắng trứng, sữa hoặc 4 – 10g natri sunfat.

Dùng chất giải độc: với người bị ngộ độc kim loại nặng, axit…có thể uống kết hợp với chất độc thành chất không độc như: uống hỗn hợp than bột, magie oxit.

Lưu ý: Đối với tất cả các trường hợp ngộ độc đều phải được đưa ngay tới cơ sở y tế để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Để đảm bảo sức khỏe trong và sau mùa bão lụt, cần tổng vệ sinh các công trình nhà ở và công cộng (nhà bếp, giếng nước…). Xử lý, khử trùng nguồn nước trước khi sử dụng, nhất là nước trong ăn uống, đặc biệt chú ý việc đảm bảo đun sôi nước trước khi uống. Không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng. Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết do ngập nước, do ngộ độc hoặc chết không rõ nguyên nhân để chế biến làm thực phẩm; nên bổ sung thức ăn tươi, giàu vitamin; thực hiện triệt để việc ăn chín, uống chín.

Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết do ngập nước, do ngộ độc hoặc chết không rõ nguyên nhân để chế biến làm thực phẩm

Mỗi người dân có thể tự bảo vệ mình và gia đình bằng cách tuân thủ 05 nguyên tắc về phòng ngừa ngộ độc thực phẩm mùa bão lụt theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế:

Nguyên tắc 1: Giữ gìn vệ sinh tốt

– Rửa tay bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa với nước sạch: Trước khi tiếp xúc với thực phẩm; Trước và trong quá trình chế biến thực phẩm; sau mỗi lần đi vệ sinh.

– Vệ sinh toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm bằng nước sạch và chất tẩy rửa sau mỗi lần chế biên.

– Giữ gìn sạch sẽ khu vực bếp và thực phẩm phòng tránh côn trùng, sâu bọ và các động vật khác xâm nhập.

Nguyên tắc 2: Để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín

– Không để lẫn thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm và hải sản tươi sống với các thực phẩm khác.

– Sử dụng riêng các dụng cụ và thiết bị nấu nướng như dao, thớt để chế biến thực phẩm sống.

– Bảo quản thực phẩm trong các dụng cụ có nắp đậy để tránh ô nhiễm giữa thực phẩm sống.

– Bảo quản thực phẩm trong các dụng cụ có nắp đậy để tránh ô nhiễm giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín.

Nguyên tắc 3: Đun nấu kỹ

– Đun, nấu kỹ thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt, trứng và hải sản

– Đun sôi thực phẩm và đảm bảo thực phẩm luôn được nấu kỹ.

– Đun kỹ lại thực phẩm chín và chỉ đun lại một lần.

Nguyên tắc 4: Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn

– Tránh vùng nhiệt độ không đảm bảo an toàn: từ 5 đến 60 độ C

– Làm lạnh ngay và bảo quản ở tủ lạnh tất cả các thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm dễ bị ôi thiu, hư hỏng khi không sử dụng ngay.

– Giữ phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ  >60 độ C trước khi ăn.

Nguyên tắc 5: Sử dụng nước và nguyên liệu an toàn

– Sử dụng nước sạch trong chế biến thực phẩm.

– Lựa chọn thực phẩm tươi từ nguồn tin cậy, an toàn.

– Rửa sạch rau và hoa quả, đặc biệt với các loại rau quả ăn sống.

– Không sử dụng thực phẩm đã quá hạn sử dụng, đồ hộp bị phồng, méo

Ngọc Phượng, Mạnh Hùng – CDC QN

Xem bài gốc tại đây