Chủ động tuyên truyền phòng chống bệnh Dại trong cộng đồng

Theo thông tin của Trung tâm kiểm soát bệnh tât tỉnh Quảng Ninh trong 6 tháng đầu năm 2022 Quảng Ninh ghi nhận 01 con chó Dại cắn nhiều người tại xã Quảng Nghĩa, Móng Cái. Đồng thời hệ thống giám sát bệnh dựa vào sự kiện đã ghi nhận 6 sự kiện chó nghi Dại cắn nhiều người tại các địa phương Bình Liêu (04), Móng Cái (01) và Tiên Yên (01).

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh dại. Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.

Tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 25 ca tử vong do dại tại 11 tỉnh, tương đương cùng kỳ năm 2021. Trong tháng 6 năm 2022 tại Quảng Ninh ghi nhận 01 con chó dại cắn nhiều người tại xã Quảng Nghĩa, Móng Cái (xét nghiệm mẫu bệnh phẩm chó cho kết quả dương tính với virus Dại). Đồng thời ghi nhận 06 sự kiện chó nghi Dại cắn nhiền người, trong đó Bình Liêu (04), Tiên Yên (01) và Móng Cái (01).

 Nguồn bệnh: Động vật gây bệnh chủ yếu là chó (trên 90%), mèo và động vật hoang dã như chó rừng, chồn, cầy, cáo, rơi và một số loài động vật có vú khác.

Thời kỳ ủ bệnh: Thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên một năm hoặc hai năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.

Thời kỳ lây truyềnỞ chó và mèo thường từ 3-10 ngày trước khi có dấu hiệu lâm sàng và trong suốt thời kỳ súc vật bị bệnh. Tuy nhiên có một số trường hợp chó, mèo có thể ủ bệnh trên 10 ngày đến 2 tháng trước khi phát bệnh và chết.

Phương thức lây truyền: Bệnh dại được lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da xâm nhập vào cơ thể, từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương gây tổn thương thần kinh trung ương.

Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, Trung tâm Y tế Tiên Yên khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

          1. Thực hiện quản lý chó, mèo theo hướng dẫn của cán bộ thú y: Tiêm phòng 100% cho đàn chó, mèo, khai báo chó, mèo nuôi với chính quyền địa phương, nuôi chó phải xích, nhốt, ra đường phải đeo rọ mõm.

          2. Khi phát hiện trường hợp chó nghi dại, chó cắn nhiều người, hoặc nhiều chó, mèo trên địa bàn ốm, chết không rõ nguyên nhân cần báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan y tế hoặc thú y trên địa bàn.

          3. Khi bị chó, mèo cắn cần:

          – Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường, cồn, rượu, dầu gội, bột giặt,…. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhằm hạn chế lượng vi rút sâm nhập vào cơ thể.

          – Vết thương cần được rửa sạch với cồn 40-70 độ hoặc cồn iod.

          – Không làm dập nát vết thương (nặn máu) và không khâu kín hoặc băng kín vết thương.

          – Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại nếu có chỉ định theo chuyên môn.

          – Tuyệt đối không tự chữa, nhờ thầy lang khám chữa, sử dụng các phương pháp thử dại hoặc sử dụng thuốc nam. Bệnh Dại chỉ có thể xét nghiệm được ở các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế công bố đủ điều kiện.