Điều trị thành công cho bệnh nhân bị bỏng nặng tại Trung tâm Y tế Tiên Yên

Ngày 21/12/2020 khoa Ngoại tổng hợp- Trung tâm Y tế Tiên Yên cho biết. Các bác sỹ tại khoa đã xử trí và điều trị thành công cho bệnh nhân G-N- M (34 tuổi) trú tại Hà Lâu- Tiên Yên bị bỏng nước sôi độ I-II-III, khoảng 23% diện tích cơ thể.

Bệnh nhân M vào khoa Cấp cứu lưu- Trung tâm Y tế Tiên Yên lúc 00h48 phút ngày 9/12/2020 trong tình trạng tỉnh, đau rất nhiều, da vùng tay phải, cẳng tay trái, chân phải có các nốt phỏng nước nhỏ, vòm mỏng, chứa dịch vàng trong, xen lẫn các vùng bong trợt lớp thượng bì, đáy trắng nhợt, xuất tiết. Được biết trước đó tại nhà bệnh nhân bị bỏng nước sôi. Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán là bỏng độ I,II,III, vùng tay phải, tay trái, chân phải khoảng 23% diện tích cơ thể.

23 % cơ thể của bệnh nhân bị bỏng độ 1,2,3

Ngay trong đêm, các bác sỹ đã nhanh chóng xử trí vết bỏng dùng thuốc xịt bỏng, dùng gạc vô khuẩn băng vị trí bỏng, thuốc giảm đau, truyền dịch và kháng sinh. Sau đó chuyển bệnh nhân tới khoa Ngoại tổng hợp để điều trị tiếp theo.

Tại khoa Ngoại tổng hợp các bác sỹ đã tiến hành điều trị  và chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân như truyền dịch để chống sốc, chống mất nước, sử dụng kháng sinh phổ rộng để chống nhiễm trùng. Tất cả quần áo, ga giường, phòng ốc đều được vô trùng. Đến nay, sau gần nửa tháng điều trị bệnh nhân đã hồi phục gần như hoàn toàn, các vết bỏng đã khô, không có dấu hiệu rỉ dịch và nhiễm trùng.

Bác sỹ: Đàm Xuân Phúc thăm khám bệnh nhân sau 12 ngày điều trị

Bác sỹ CKI: Trịnh Văn Thủy – Phó khoa Ngoại tổng hợp cho biết: Bệnh nhân M bị bỏng nước sôi với diện rộng nhưng rất may mắn là gia đình đã đưa đến Trung tâm Y tế kịp thời. Đối với những trường hợp bỏng nặng cần được xử trí đúng. Xử trí không đúng cách ngay từ nhưng giây phút đầu tiên có thể khiến vết thương nhiễm trùng, lâu lành và để lại các di chứng như sẹo xấu, co rút ngón tay… thậm chí để lại những thương tật vĩnh viễn.

Đồng thời bác sỹ đã đưa ra cách sơ cứu khi bị bỏng:

Cách sơ cứu khi bị bỏng nước sôi việc đầu tiên là phải nhanh chóng bộc lộ vị trí bị bỏng, đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước mát và sạch để giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Tuyệt đối không dùng nước đá lạnh để làm mát, vì có thể gây tổn thương da. Không áp dụng các biện pháp truyền miệng như phun rượu, bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng… lên vết bỏng để tránh nhiễm trùng hoặc làm gia tăng tổn thương.

Phòng TTGDSK-TTYT Tiên Yên