Đái tháo đường (ĐTĐ) là căn bệnh mãn tính, đòi hỏi người bệnh cần tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là khi người bệnh mắc phải những lỗi sai cơ bản trong quá trình dùng thuốc, sinh hoạt và ăn uống…
Tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng khoa Nội tổng hợp tiếp nhận và điều trị cho từ 18-25 bệnh nhân ĐTĐ. Bệnh nhân chủ yếu là bệnh nhân mới phát hiện có đường máu quá cao hoặc bệnh nhân đang điều trị tại nhà không tuân thủ phác đồ điều trị dẫn đến hậu quả cũng như các biến chứng nguy hiểm: chảy máu nhu mô não, tê bì chân tay, mệt mỏi và suy thận.
Theo bác sĩ Bùi Thị Nụ: phụ trách khoa Nội tổng hợp- TTYT Tiên Yên cho biết: Trong thời gian gần đây Trung tâm tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân ĐTĐ. Trong đó có trường hợp bệnh nhân trong tình trạng co giật từng cơn, khát nước, đau đầu, đái ỉa không tự chủ… Sau khi thăm khám lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm bệnh nhân được chẩn đoán: Đái tháo đường type 2/ tăng huyết áp/TD Tai biến mạch não. Bác sĩ chia sẻ: Bệnh nhân đã được khám, chẩn đoán đái tháo đường đường type 2 và được điều trị một đợt tại Trung tâm Y tế Tiên Yên, được bác sĩ hướng dẫn làm sổ mãn tính để khám và điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, bệnh nhân đã không tuân thủ phác đồ điều trị, ăn uống không điều độ, sử dụng rượu bia quá nhiều và tự ý dừng thuốc dẫn đến tình trạng chảy máu nhu mô não, tê bì chân tay, mệt mỏi và suy thận.
Sự gia tăng tỷ lệ bệnh đái tháo đường có ý nghĩa gia tăng hơn nữa tỷ lệ biến chứng của bệnh, nhất là biến chứng tim mạch. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường cần được theo dõi, điều trị đúng, đủ, điều trị lâu dài, kéo dài đến hết cuộc đời. Mục tiêu điều trị là kiểm soát chỉ số glucose máu ở mức độ cho phép để giảm tối đa các nguy cơ biến chứng.
Nếu người bệnh đái tháo đường không kiểm soát được glucose máu tốt trong giới hạn cho phép sẽ dẫn đến các biến chứng nặng nề như mắt, thận, tim, tổn thương mạch máu, bệnh lý bàn chân… và các ảnh hưởng kèm theo là gia tăng chi phí y tế, stress về tài chính, giảm chất lương cuộc sống, tàn tật và có thể tử vong.
Người bệnh đái tháo đường để đạt được mục tiêu cần tuân thủ các chế độ điều trị, bao gồm: Chế độ sử dụng thuốc; Chế độ ăn uống; Thay đổi thói quen sống; Kiểm soát đường huyết; Khám sức khỏe định kỳ.
Tuy nhiên không phải ai cũng tuân thủ điều trị theo hướng dẫn trên. Và việc không tuân thủ kéo theo những biến chứng cấp tính như: Hạ đường huyết; tăng áp lực thấm thấu ( đối với đái tháo đường type2) . Nhiễm toan ceton ( đối với đái tháo đường type1).
Ngoài ra, những biến chứng mạn tính được ghi nhận như: Biến chứng thần kinh; biến chứng viêm loét bàn chân đái tháo đường dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn huyết; Biến chứng tim mạch; Biến chứng suy thận; Biến chứng mắt; Suy giảm nhận thức.
Do đó, việc tuân thủ phác đồ điều trị là chìa khóa vàng để kiểm soát chặt chẽ tình trạng sống chung với bệnh. Trong điều trị đái tháo đường, hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào ý thức hợp tác tự quản lý của người bệnh.
Cùng với đó, bệnh nhân tiểu đường cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng bệnh để bác sĩ có sự điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp.
Cao Nhung, TTYT Tiên Yên