“Người hùng thầm lặng” phía sau mỗi cuộc phẫu thuật

Nếu như Bác sĩ thường được mọi người vinh danh nể trọng thì luôn có hình dáng những người thầm lặng góp phần cho các phẫu thuật viên được bước lên đài cao danh vọng.
Để có được một ca phẫu thuật thành công đặc biệt các ca mổ khó, kéo dài luôn cần cả một đội ngũ, một ekip tham gia không chỉ riêng Bác sĩ phẫu thuật. Những người điều dưỡng viên, kĩ thuật viên gây mê rất quan trọng họ là những người đi trước, về mỗi một ca mổ.
Họ đóng vai trò tích cực giúp cho các phẫu thuật viên vững tâm hơn trước những ca phẫu thuật kéo dài, khó thực hiện. Không chỉ vậy họ còn sẽ là những người được hỏi đầu tiên khi có những sự cố y khoa xảy ra, còn với những ca mổ thành công họ hoàn thành trách nhiệm và lui về hậu trường nhường lại những vinh danh cho Bác sĩ phẫu thuật.
Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức của Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, nơi đây gần như không có khái niệm về thời gian là ngày hay đêm, nắng hay mưa. Trong phòng bệnh lúc nào điện cũng sáng trưng, phòng bệnh được vô trùng đến tuyệt đối, tiếng máy thở tí tách đều đều ở các giường bệnh, còn các y bác sĩ vẫn luôn tay chân và gần như không có giây phút nào được thảnh thơi.
Trong mỗi cuộc phẫu thuật, kíp gây mê là những người đến phòng mổ sớm nhất để làm các công tác chuẩn bị cho ca mổ, đánh giá tình trạng người bệnh, chuẩn bị trang thiết bị dụng cụ và tiến hành các bước tiền mê, khởi mê cho bệnh nhân… Bởi vậy, bác sĩ gây mê hồi sức được gọi là những “bác sĩ thầm lặng”, họ âm thầm theo dõi người bệnh, làm việc tận tuỵ với trách nhiệm cao, góp phần không nhỏ vào thành công của ca mổ.
????????Bác sĩ gây mê hồi sức là người không thể thiếu trong bất cứ cuộc phẫu thuật nào. Họ là những người âm thầm đóng góp trí tuệ và công sức để các bệnh nhân được phẫu thuật thành công. Do đó đội ngũ bác sĩ gây mê hồi sức phải có chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm, dự tính mọi thông số, đề phòng rủi ro, chuẩn xác mọi thao tác, kỹ năng hồi sức, cấp cứu, kỹ năng gây mê… xử lý được những ca “cấp bách”, đồng thời phải thường xuyên cập nhật kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn.
Ngoài kỹ năng chuyên môn, bác sĩ gây mê hồi sức phải rèn luyện thêm kỹ năng giao tiếp, nhất là giao tiếp với người bệnh trước khi phẫu thuật để họ thực sự yên tâm khi lên bàn phẫu thuật.
Với khoa Phẫu thuật- gây mê hồi sức- Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, BSCKI. Nguyễn Vũ Long – Trưởng Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức và bác sĩ Vy Thi Thùy Dung luôn lặng lẽ và miệt mài cống hiến trong suốt những năm qua. Không chỉ giỏi chuyên môn, các bác sĩ còn là một người rất hòa đồng với đồng nghiệp và niềm nở với bệnh nhân.
Ít ai biết được rằng khâu gây mê, hồi sức quyết định rất lớn đến thành công của một ca phẫu thuật. Người làm công tác gây mê được ví như “linh hồn” của phòng mổ. Và không có một công thức chung nào, chỉ bằng tài năng và kinh nghiệm, bác sĩ gây mê giúp bệnh nhân có cuộc mổ êm dịu nhất.
BSCKI. Nguyễn Vũ Long chia sẻ, trên thực tế, Gây mê hồi sức là một khâu đóng vai trò quan trọng trong thành công của một ca mổ. Các bác sĩ Gây mê hồi sức luôn theo dõi và tham gia suốt quá trình phẫu thuật, sát cánh cùng phẫu thuật viên cứu sống bệnh nhân. Họ cũng chính là những người hậu cần sắp đặt tốt nhất cho bệnh nhân để ê kíp tiến hành phẫu thuật an toàn. Bất kỳ khi nào “có biến” trong phòng mổ, họ cũng luôn ở tuyến đầu. Không có công thức chung nào cho tất cả mọi người, chỉ biết sai một ly đi một… đời người.
Suốt các ca mổ, bác sĩ gây mê đứng sau màn xanh theo dõi tất cả các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân. Bất kỳ lúc nào có điều gì bất thường thì bác sĩ gây mê cũng là người đầu tiên điều chỉnh các sự cố. Trong ca mổ, khi thì bệnh nhân tụt huyết áp, khi huyết áp lại tăng cao, khi thì rối loạn đông máu, rối loạn hô hấp…Mỗi người sẽ có một tình trạng khác nhau và cách xử lý cũng khác nhau, không có một phác đồ chung cho tất cả mọi người. Nhưng người luôn chăm chú theo dõi, kịp thời điều chỉnh để giữ an toàn cho bệnh nhân luôn là các bác sĩ gây mê.
Thiếu một chút thuốc, bệnh nhân có thể tỉnh dậy giữa ca phẫu thuật, thừa một chút thuốc có thể bệnh nhân sẽ không bao giờ tỉnh lại được nữa. Trong cuộc mổ, bác sĩ gây mê phải phối hợp nhuần nhuyễn hàng loạt thuốc để bệnh nhân có cuộc mổ thuận lợi nhất. Sau khi kết thúc ca mổ, các bác sĩ phẫu thuật có thể nghỉ ngơi nhưng các bác sĩ gây mê hồi sức vẫn tiếp tục công việc của mình.
Cũng theo bác sĩ Vi Thị Thùy Dung- khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức cho biết thêm: Gây mê và hồi sức là 2 lĩnh vực nhưng luôn đi liền với nhau. Sau mỗi ca mổ thành công, bác sĩ gây mê cùng các đồng nghiệp còn phải tính toán hồi sức, chăm sóc cho những bệnh nhân sau mổ, đưa họ trở về với cuộc sống bình thường. Mặc dù, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mỗi ca phẫu thuật, thế nhưng những bác sĩ gây mê hồi sức lại thường bị lãng quên. Bệnh nhân thoát khỏi cửa tử thường chỉ nhớ đến bác sĩ phẫu thuật chính, bác sĩ điều trị mà chưa từng biết đến những cống hiến của những người làm công tác gây mê hồi sức.
Khi được hỏi có vì điều đó mà buồn không, bác sĩ Dung nở một nụ cười: “Trên một con tàu để vươn khơi “thuận buồm, xuôi gió” luôn có người lái chính và người lái phụ. Và bất cứ vị trí nào cũng đều đáng quý như nhau. Đặc biệt với người thầy thuốc dù họ là ai, làm gì thì niềm vui lớn nhất chỉ là được chứng kiến những bệnh nhân của mình khỏi bệnh, xuất viện trở về với cuộc sống bình thường mà không có biến chứng nào”.
Người ta ví công việc văn phòng là việc “8 tiếng nhìn màn hình”, dường như không mấy hào hứng và cũng nhiều mệt mỏi. Nhưng cũng không đến mức nhìn mãi vào màn hình trong 8 giờ liền vì còn nhiều hoạt động xung quanh. Trong khi đó, lắm lúc một kỹ thuật viên gây mê sẽ cần quan sát các màn hình của máy gây mê, máy sinh hiệu liên tục trong ngần ấy thời gian cùng nhiều thiết bị, duy trì dịch truyền, máu và sản phẩm máu… Bên cạnh việc phải quan sát bệnh nhân, trong ánh sáng lóa của những chiếc đèn không hắt bóng, trong không gian im ắng thường chỉ có tiếng máy và tiếng dao kéo. Thật sự không chỉ cần mỗi sự lành nghề, mà còn phải có một tinh thần thép mới vững vàng tại vị trí này.
Mỗi ca phẫu thuật thành công, mỗi bệnh nhân được khỏe mạnh rời Phòng Mổ đều là thành quả lao động của cả một tập thể điều trị. Nhưng sẽ thật khó để người bệnh hình dung rõ vai trò quan trọng của Kỹ thuật viên Gây mê, do vị trí thầm lặng sau tấm màn xanh của họ. “Mê êm – Tê tốt – Cùng nhau an toàn” Slogan muốn thể hiện chuyên môn vững vàng, tạo sự hài lòng nhất cho bệnh nhân và cùng nhau an toàn. Vì một lần thành công là một lần giúp một bệnh nhân thoát khỏi vòng vây của bệnh tật.
Cao Nhung, TTYT Tiên Yên