Vất vả, áp lực, nỗi đau, hạnh phúc…..là những trạng thái mà tập thể bác sỹ, điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc- Thận nhân tạo- Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên phải đối mặt hàng ngày. Ở nơi này, mỗi một nhịp đập trái tim cũng có thể làm hạnh phúc vỡ òa, nơi mà nước mắt, nỗi đau luôn rình rập, nơi mà những y, bác sỹ muốn đứng vững thì không chỉ phải có trình độ chuyên môn mà phải có sức khỏe, lòng nhiệt tình, đức hi sinh và những nỗ lực không ngừng nghỉ để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Song hành với bác sĩ trên con đường chăm sóc sức khỏe nhân dân, những người điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc- Thận nhân tạo – Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên góp một phần quan trọng vào sự thành công của mỗi ca bệnh, họ luôn sẵn sàng cho mọi chăm sóc y tế, cùng người bệnh vượt qua những cơn đau và sự mệt mỏi trong quá trình điều trị.
Đến Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc- Thận nhân tạo- Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, chúng tôi hiểu thêm phần nào về nghề điều dưỡng thường ví như “làm dâu trăm họ”. Là Khoa thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân nặng đến điều trị như: chấn thương sọ não, chạy thận, các loại tai biến, nhiễm độc… đa số là bệnh nhân nặng, hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn phải nằm bất động sức khỏe trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” nên việc chăm sóc bệnh nhân toàn diện càng khó khăn hơn…
Hầu hết khối lượng công việc do điều dưỡng đảm nhận từ sắp xếp giường bệnh, thăm khám sơ bộ đến lấy chỉ số sinh tồn, theo dõi các chức năng sống, thực hiện các kỹ thuật chuyên môn: tiêm truyền, thay băng, phục hồi chức năng… Tùy vào bệnh tình từng người, điều dưỡng phải làm thêm công việc hút đờm, hút dịch, cấp cứu khi bệnh nhân khó thở, phối hợp với bác sỹ thực hiện y lệnh thuốc…
Theo điều dưỡng Vũ Thị Ánh Nguyệt- Điều dưỡng trưởng tại khoa cho biết: Làm điều dưỡng hồi sức phải có bàn tay “mềm” nhất, đôi tai thính nhất, chỉ cần nghe tiếng động khác lạ như tinh tinh, píp píp phát ra từ hệ thống máy móc biết bệnh nhân đang gặp sự cố gì để can thiệp kịp thời. Chúng tôi gần như 24/24 giờ theo dõi sát diễn biến bệnh của bệnh nhân nhằm phát hiện sớm nhất những dấu hiệu chuyển nặng, kịp thời thông báo cho bác sĩ nhằm có phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh. Việc chăm sóc bệnh nhân cũng rất tỷ mỉ từ ăn, ngủ, vệ sinh, tắm rửa, gội đầu đều do điều dưỡng thực hiện nhằm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, bảo đảm môi trường sạch sẽ, yên tĩnh cho người bệnh. Nhưng chỉ cần sai sót nhỏ ở một khâu nào đó sẽ phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí bằng tính mạng của bệnh nhân. Công việc nhiều lúc quá bận rộn, thậm chí còn cùng bác sỹ cấp cứu bệnh nhân cả đêm không được chợp mắt, sáng mai lại bắt đầu công việc của ngày mới, có lúc rất mệt mỏi. Song với sự tận tâm, hết lòng vì người bệnh chúng tôi luôn cố gắng nỗ lực để dành lại sự sống cho người bệnh.
Khi bị bệnh, tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân và người thân luôn gấp gáp, hối thúc…, đòi hỏi người điều dưỡng phải nhanh nhẹn, linh hoạt trong ứng xử, giao tiếp. Có trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng, tiên lượng xấu, khi chúng tôi đến giải thích, tư vấn thì bị người nhà bệnh nhân bức xúc, kích động, gây gổ… Những lúc như vậy phải bình tĩnh, tỉnh táo trong chăm sóc, xử lý các vấn đề ban đầu để tránh khúc mắc không đáng có.
Công việc tuy áp lực, vất vả, nhưng với những người điều dưỡng, niềm vui của họ là thấy sức khỏe người bệnh chuyển biến tốt hàng ngày, là sự thấu hiểu của người nhà cũng như người bệnh về những công việc mà họ đang làm. “Có những bệnh nhân khi vào đây tưởng chừng như không qua khỏi, nhưng được sự chăm sóc tận tình của điều dưỡng thì sức khỏe bệnh nhân dần dần ổn định và xuất viện. Với chúng tôi chỉ cần người bệnh, người nhà người bệnh hiểu được cực khổ của công việc chăm sóc bệnh nhân và hợp tác trong điều trị là chúng tôi vui và có động lực để tiếp tục công việc của mình.
Điều dưỡng Nguyệt còn cho biết thêm: Nghề điều dưỡng còn là cầu nối giữa bác sĩ và bệnh nhân. Điều dưỡng không chỉ cần kỹ thuật, kinh nghiệm mà còn là sự kiên trì và khéo léo. Công việc vất vả, thời gian ở trên bệnh viện còn nhiều hơn ở với gia đình, có những lúc điều dưỡng khoa cũng không tránh khỏi buồn lòng, mệt mỏi. Nhiều ca trực phải thức trắng đêm để theo dõi tình hình người bệnh, vất vả thế nhưng khi thấy người bệnh được hồi phục sức khỏe, thấy những nụ cười xen lẫn giọt nước mắt hạnh phúc của họ, và nhận được những lời cảm ơn chân thành thì mọi nỗ lực của chúng tôi đều thấy xứng đáng.
Bên cạnh việc phối hợp với bác sĩ trong điều trị, điều dưỡng trong khoa còn là người trực tiếp truyền thông giáo dục sức khỏe, giúp đỡ người bệnh và cộng đồng trong việc duy trì nâng cao sức khỏe, giảm đau đớn về thể chất và tinh thần, hướng dẫn người bệnh cách phòng ngừa bệnh tật và biết cách tự chăm sóc bản thân một cách cơ bản nhất, tư vấn giáo dục sức khỏe… Để trở thành một Điều dưỡng viên chuyên nghiệp, ngoài công việc bận rộn tại khoa, những lúc có thời gian rảnh các điều dưỡng còn truyền đạt kinh nghiệm, tự học hỏi nhau để tu bổ thêm kiến thức vững bước đi lên để trở thành những người điều dưỡng chuyên nghiệp hết lòng vì người bệnh.
Một nghề không hào quang rực rỡ, luôn lặng thầm bên cạnh người bệnh, quan tâm, chăm sóc, động viên họ như người thân trong gia đình. Một nghề luôn nhận được sự biết ơn của người bệnh, của nhân dân, luôn tâm niệm thực hiện thật tốt sứ mệnh giúp đời, cứu người và phát huy vai trò trong điều trị, chăm sóc người bệnh
Trong điều kiện công việc có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng các điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực- Chống độc- Thận nhân tạo- Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên vẫn không ngừng phấn đấu vươn lên, đóng góp công sức của mình vào việc nâng cao chất lượng điều trị, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Lương y phải như từ mẫu”.
Cao Nhung, TTYT Tiên Yên