Hiện nay các quốc gia trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm. Trong đó có bệnh đái tháo đường, chiếm tỉ lệ tử vong đứng thứ 3 và trung bình trong 25 người thì có 1 người bị bệnh đái tháo đường. Đáng báo động hơn, bệnh đái tháo đường đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Theo đó, rất nhiều người trong độ tuổi dưới 30 mắc bệnh mà không biết, có những trường hợp trẻ em dưới 11 tuổi đã mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Tại Quảng Ninh, qua thực tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh cho thấy, hiện nay, số người mắc bệnh đái tháo đường trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Đối với Trung tâm Y tế Tiên Yên trong những năm gần đây số người mắc bệnh Đái tháo đường có chiều hướng tăng cao. Không những ở độ tuổi 50-70 mà các trẻ có độ tuổi từ 15 trở lên đã mắc phải.
Bệnh Đái tháo đường là một trong những căn bệnh có những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Do đó, để phòng, chống bệnh đái tháo đường, bên cạnh sự nỗ lực của Ngành Y tế thì rất cần sự chủ động, tích cực của người dân.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Bá Việt- Giám đốc Trung tâm Y tế Tiên Yên, Chuyên khoa: Nội- Nội tiết- Đái tháo đường cho biết: Đái tháo đường, còn gọi là bệnh tiểu đường, là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat, mỡ và protein khi hóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao; trong giai đoạn mới phát bệnh, bệnh nhân thường hay đi tiểu nhiều, khát nước, uống nhiều, sút cân, tuy nhiên rất nhiều bệnh nhân ban đầu không có triệu chứng do vậy khi có các dấu hiệu trên thì đã muộn Bệnh có liên quan mật thiết với thừa cân, béo phì, lười tập thể dục thể thao và chế độ ăn uống không điều độ gây nên.
Biến chứng của bệnh tiểu đường:
Khi đường trong máu quá cao gây ra biến chứng cấp tính thường hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, hôn mê do nhiễm toan ceton, hôn mê do nhiễm axit lactic.., hôn mê hạ đường máu do bệnh nhân điều trị nhưng ăn uống không hợp lý hoặc kiêng khem quá mức…dẫn đến có thể tử vong; Có các biến chứng mãn tính như: Biến chứng tim mạch, mắt, thận, thần kinh, đặc biệt là bệnh lý bàn chân phải cắt cụt chi, biến chứng nhiễm trùng rối loạn chức năng cương ở nam giới, suy giảm chức năng sinh dục ở phụ nữ.
Các biến chứng của bệnh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt, lao động của người bệnh, là gánh nặng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội vì sự phổ biến của bệnh. Các biến chứng nguy hiểm do đái tháo đường gây ra như bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, suy thận, liệt dương, thoái hoá võng mạc mắt, có thể mù lòa, viêm dây thần kinh, dễ bị các bệnh nhiễm trùng, hoại thư. Trên thế giới ước tính có trên 220 triệu người mắc bệnh Đái tháo đường. Theo Hội nội tiết- Đái tháo đường Việt Nam, ở Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường hiện nay là trên 5% dân số và gần 10% mắc tiền đái tháo đường, tuy nhiên có đến hơn 70% người mắc bệnh đái tháo đường không được phát hiện kịp thời và trên 50% người bệnh đái tháo đường kiểm soát đường huyết kém.
Đặc biệt, để phòng, chống bệnh đái tháo đường, chúng ta nên điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn đồ ngọt, ăn nhiều thức ăn có chứa chất xơ như: Rau, củ, quả, giảm thiểu các thức ăn chế biến sẵn và uống nhiều nước (từ 1,5 đến 2,5 lít/ngày). Cùng với đó là thường xuyên tập thể dục để nâng cao thể lực. Những người có hiện tượng thừa cân béo phì thì nên quan tâm đến việc giảm cân cho phù hợp với chiều cao, cân nặng. Theo đó, mọi người nên bỏ thuốc lá, thuốc lào, hạn chế uống rượu bia và các loại nước ngọt có ga bổ sung các loại vitamin và dùng các thảo dược có lợi để phòng tránh căn bệnh này. Ngoài chế độ ăn và vận động phù hợp, mọi người nên đến các cơ sở y tế để được các y, bác sĩ chuyên khoa tư vấn nhằm phòng, chống căn bệnh Đái tháo đường một cách hiệu quả nhất.
Những lưu ý khi bị mắc bệnh đái tháo đường:
+ Kiểm tra đường huyết thường xuyên, tuyệt đối tuân thủ điều trị bệnh theo sự chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa. Ăn đủ chất đạm, béo, tinh bột, vitamin, muối khoáng, nước với lượng và tỷ lệ hợp lý; ăn đúng giờ, không quá đói, không quá no; ăn nhiều bữa nhỏ (4-6 bữa/ngày), ăn bữa phụ vào buổi tối để tránh hạ đường huyết vào ban đêm; ăn giảm chất béo, tăng chất xơ, dùng các loại thực phẩm có lượng đường ít như: khoai lang, khoai sọ, sắn, củ từ…
+ Hãy mang theo người: kẹo cứng, nước trái cây, nho khô, hay các loại bánh chứa nhiều đường trong túi để dùng khi đường trong máu của bạn bị xuống thấp có thể gây hạ đường huyết nhất là khi tập luyện thể thao…