Mùa hè thu là mùa phát triển của các loại ong như ong vò vẽ, ong đất, ong mật… Ong xuất hiện và làm tổ ở nhiều nơi như hốc tường, mái hiên, trần nhà, gốc cây, cành cây, bụi rậm, nhà kho là những nơi gần con người sinh sống, đe doạ đến sức khoẻ và an toàn của mọi người và nó rất nguy hiểm, đặc biệt là trẻ em ở tuổi đi học.
Tại Trung tâm Y tế Tiên Yên trong 2 tuần trở lại đây tiếp nhận nhiều bệnh nhi nhập viện do bị ong đốt. Như hôm nay ngày 01/8/2022 hai trưởng hợp trẻ dưới 10 tuổi ở xã Đông Ngũ bị ong đốt phải nhập viện. Rất may mắn là ở thể nhẹ lên không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Hiện tại cả 2 trẻ đều đang được theo dõi và chăm sóc tại khoa Nhi- Trung tâm Y tế Tiên Yên.

Theo Bác sĩ Bế Thị Khang – Trưởng khoa Nhi cho biết trong thời gian gần đây rất nhiều trẻ bị ong đốt phải nhập viện. Điển hình tuần vừa qua có một trẻ trú tại xã Hải Lạng bị ong vàng đốt. Ngay sau khi bị đốt cháu bé ngất tại chỗ (do người nhà kể lại) sau đó người nhà đưa cháu đến Trung tâm Y tế Tiên Yên.
Khi nhập viện bé bị mẩn đỏ toàn thân, chân tay lạnh và khó thở. Các bác sĩ đã nhanh tiến hành cấp cứu, xử trí liên tục, tình trạng bé được cải thiện, ổn định dần.
Qua đây bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần hướng dẫn cụ thể cho trẻ biết con ong, tổ ong và những nguy hiểm mà đặc biệt là các dấu hiệu triệu chứng đau khi bị đốt. Cần căn dặn trẻ tuyệt đối không được chơi gần nơi có tổ ong và trêu chọc phá tổ ong. Khi bị ong đốt, trẻ cần được theo dõi và đi khám ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe trẻ khi bị ong đốt.
Thường xuyên vệ sinh và phát quang bụi rậm quanh nhà. Khi ong vào nhà làm tổ cần phát hiện sớm và phá bỏ tổ ong, nếu ở nơi đông người và nơi có nhiều người qua lại hoặc trong hộ gia đình hay khu dân cư. Nên phá ngay khi tổ ong mới xây.
Cao Nhung, TTYT Tiên Yên