Quảng Ninh đẩy mạnh phòng chống bệnh bạch hầu

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên, ngành Y tế Quảng Ninh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức tập huấn tiêm chủng nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành an toàn trong tiêm chủng cho các cán bộ phụ trách công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện/thị xã/thành phố tăng cường giám sát, đặc biệt lưu ý những trường hợp có tiền sử đi, đến hoặc ở những khu vực có ghi nhận ổ dịch bạch hầu để phát hiện sớm các ca bệnh; đồng thời đẩy mạnh phối hợp giám sát bệnh dựa vào sự kiện (EBS) để phát hiện ca bệnh nghi ngờ. Các bệnh viện, Trung tâm Y tế đa chức năng đã chủ động triển khai tập huấn, cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán, phác đồ điều trị bạch hầu của Bộ Y tế cho cán bộ, nhân viên y tế trong đơn vị và chuẩn bị đầy đủ cơ sở cách ly, thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực,…tổ chức tốt hoạt động thu dung, giám sát các ca bệnh nghi ngờ lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm xét nghiệm.

Bên cạnh đó, công tác tiêm chủng luôn được ngành Y tế tỉnh quan tâm đẩy mạnh. 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ trẻ dưới 12 tháng tuổi được tiêm chủng đầy đủ 3 mũi vắc xin phối hợp có chứa thành phần bạch hầu là 42,24%. Tháng 11/2019, Quảng Ninh đã tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin (Td) đợt 1 phòng bệnh Bạch hầu – Uốn ván cho trẻ 7 tuổi tại 14/14 huyện, thị xã, thành phố và trong tháng 6/2020 tiếp tục tổ chức tiêm chủng vắc xin (Td) đợt 2, kết quả toàn chiến dịch đạt 91,86%, góp phần tạo miễn dịch trong cộng đồng.

BS CKII Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Chúng tôi đã rà soát lại toàn bộ các quá trình tiêm chủng của mình để có thể phát hiện ra các cháu chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc bỏ tiêm chủng và đưa vào diện chăm sóc đặc biệt để các cháu có được miễn dịch cơ bản lúc 1 tuổi cũng như 2 tuổi và 7 tuổi, đảm bảo đủ, đúng theo lộ trình của trẻ có được miễn dịch chống bệnh bạch hầu. Thứ hai, chúng tôi cũng đã cảnh báo cho các cơ sở điều trị biết được thực trạng chung, nếu như có ca mắc thì có thể chẩn đoán, điều trị được ngay. Và Trung tâm cũng có một hệ thống xét nghiệm có thể chẩn đoán được chính xác, nhanh nhất bạch hầu khi mà có xảy ra trên địa bàn”.

Tiêm chủng vắc xin Td tại Trường tiểu học Phong Cốc TX Quảng Yên, Quảng Ninh

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tiêm chủng, giám sát, kiểm soát dịch bệnh, các đơn vị y tế trong ngành còn tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, hướng dẫn người dân các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh và cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin tình hình dịch bệnh bạch hầu bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau như: truyền hình, phát thanh, báo, trang thông tin điện tử,…

Ngoài ra, ngành Y tế  còn phối hợp ngành Giáo dục hướng dẫn, triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các trường học bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ, có đủ ánh sáng; theo dõi sức khỏe của học sinh và thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh như sốt kèm theo đau họng, ho hoặc khàn tiếng cần được cách ly, xử lý kịp thời.

Nguồn: Ngọc Phượng (Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh)