Thủng dạ dày nguy hiểm đến tính mạng, nhiều người chủ quan

Thủng dạ dày là một hiện tượng thành dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng dẫn đến thủng và nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do loét dạ dày. Thủng dạ dày là một cấp cứu ngoại khoa, nếu không được mổ cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, suy tạng và tử vong. Nhiều người vì chủ quan với đau bụng sau ăn, đau dạ dày mạn tính… dẫn tới tính trạng nguy kịch.

Trong thời gian gần đây Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên tiếp nhận và phẫu thuật cấp cứu kịp thời nhiều trường hợp bệnh nhân bị thủng dạ dày và có chiều hướng gia tăng. Vì vậy người dân cần tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách phòng bệnh sau đây:

  1. Những nguyên nhân nào gây thủng dạ dày? 

Phần lớn các trường hợp bị thủng dạ dày đều bắt nguồn từ nguyên nhân viêm loét dạ dày tá tràng thể nặng. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác:

Viêm loét dạ dày tá tràng: thường do bệnh nhân lớn tuổi dùng nhiều aspirin, nhiễm khuẩn HP, các yếu tố khác (chế độ ăn uống, lạm dụng rượu bia, thuốc lá lâu năm, stress, lo âu…).

Mắc bệnh lý ác tính: khối u hình thành và tăng sinh ở dạ dày có thể xâm lấn, ăn mòn thành dạ dày và cuối cùng là gây tổn thương nghiêm trọng cơ quan này.

Do gặp phải chấn thương: tác động của vật nhọn, đạn bắn hay tai nạn.

  1. Triệu chứng

Đau bụng: Đau đột ngột, dữ dội. “Đau như dao đâm” là cụm từ thường được dùng để mô tả triệu chứng thủng dạ dày. Đau tại mũi ức, trên rốn, đôi khi lệch phải rồi lan xuống hố chậu phải và lan xuống cả bụng.

Buồn nôn hoặc nôn, bí trung đại tiện.

Bác sĩ Lâm Văn Phương- khoa Ngoại Tổng hợp- Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên cho biết: Thủng dạ dày nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời, biến chứng này sẽ đe doạ tính mạng bệnh nhân.

Thủng dạ dày có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong ngày nhưng phần đông bệnh nhân bị thủng 1 vài giờ sau ăn, thủng sau bữa ăn thì ổ bụng càng bẩn và càng chóng đưa đến tình trạng viêm màng bụng.

Vì vậy người bệnh thấy các dấu hiệu như triệu chứng trên thì cần phải đi cấp cứu ngay. Kết quả điều trị tốt hay xấu, tỉ lệ tử vong thấp hay cao phụ thuộc vào việc điều trị sớm hay muộn. Bệnh diễn biến rất nhanh, trong vòng 12 – 14 giờ bệnh tiến triển thành viêm màng bụng. Những bệnh nhân được xử trí trong vòng 6 giờ đầu thì kết quả tốt, tỉ lệ tử vong thấp.

Bên cạnh đó bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên chủ quan với sức khỏe của bản thân: Thực hiện chế độ ăn lành mạnh, ăn uống điều độ không bỏ bữa, không ăn các thức ăn chua, cay, không sử dụng các thức uống có tính chất kích thích dạ dày như rượu, bia, cà phê, nước có ga… Tránh thức khuya, ngủ đủ giấc, Thường xuyên tập thể dục tránh căng thẳng, giảm lo âu, giúp cho tinh thần thoải mái. Đặc biệt nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Nếu thấy có các biểu hiện của viêm loét dạ dày – tá tràng với các triệu chứng như nóng rát vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua,…hãy đến có sở y tế để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm như thủng ổ loét, chảy máu dạ dày, ung thư ….

Cao Nhung, TTYT Tiên Yên