Tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ – những điều cha mẹ nên biết

Như các mẹ đã biết, mùa hè là thời điểm các vấn đề về đường ruột luôn rình rập “ ghé thăm” các trẻ em. Khí hậu nóng ẩm các loại vi khuẩn dễ phát triển trong thực phẩm, thức ăn, gây hư hỏng, ôi thiu, khi ăn vào dẫn tới tiêu chảy. Trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn thường có biểu hiện: sốt, nôn, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần/ngày. Trong trường hợp tiêu chảy nặng, có thể gây mất nước hoặc nhiễm độc toàn thân, dẫn tới tử vong.

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Anh- Phụ trách khoa Nhi – Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên cho biết: Trong thời gian nắng nóng gần đây trẻ em bị bệnh tiêu chảy nhiễm khuẩn nhập viện có chiều hướng tăng. Vì vậy cha mẹ nên biết nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh lý này để phát hiện từ sớm, có biện pháp can thiệp hiệu quả để tránh những mối nguy hại cho trẻ.

  1. Nguyên nhân khiến cho trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn là gì

Nguyên nhân từ trẻ                        

Hệ miễn dịch của trẻ còn chưa hoàn thiện và kháng thể thụ động từ mẹ truyền sang cho trẻ giảm dần theo sự phát triển của trẻ. Ngoài ra nhu cầu khám phá xung quanh của trẻ ngày càng nhiều, do đó nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh gây tiêu chảy ở trẻ cũng tăng lên.

Nguyên nhân từ môi trường sống:

Trẻ bị nhiễm khuẩn từ nước uống, đồ chơi, thức ăn,… Khâu xử lý chất thải nhiễm bệnh ở người lớn thực hiện không đúng cách. Gần nơi trẻ sống có ổ dịch hoặc trẻ có đến nơi có ổ dịch.

Nhìn chung, các trường hợp tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ chủ yếu là do các loại vi khuẩn E.Coli, tả, trực khuẩn lỵ, Rotavirus,… xâm nhập vào đường tiêu hóa và sản xuất ra độc tố gây rối loạn điện giải và hấp thụ nước tại ruột non, làm nước xuống nhiều ở đại tràng mà không thể hấp thu trở lại.

  1. Biểu hiện trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn

Tiêu chảy do tả: trẻ đi ngoài rất nhiều nhưng là đi ngoài ra nước có màu đục giống như nước vo gạo, kèm theo nôn nhưng không sốt, không đau bụng và không mót rặn.

Tiêu chảy do lỵ: trẻ đi ngoài ra nước kèm theo máu và chất nhầy trong phân, tần suất đi ngoài trong ngày rất nhiều, kèm sốt cao, bụng đau thành từng cơn, mót rặn,…

Tiêu chảy do độc tố tụ cầu: trẻ buồn nôn và nôn, đi ngoài có nhiều nước nhưng không bị sốt.

Tiêu chảy do E.coli: trẻ đi ngoài phân lỏng nhưng không kèm theo máu và nhầy, bệnh có khả năng tự khỏi.

  1. Tính chất nguy hiểm tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ

Đối với trẻ nhỏ, tiêu chảy nhiễm khuẩn là một bệnh lý không thể chủ quan bởi nó có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của trẻ. Những biến chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc bệnh không được điều trị kịp thời chủ yếu gồm:

Bị rối loạn tiêu hóa kéo dài.

Hậu tiêu chảy xảy ra tình trạng suy dinh dưỡng.

Bị chảy máu đường ruột nên ảnh hưởng đến chức năng thận.

Nhiễm trùng huyết.

Viêm tai giữa.

Não bộ bị tổn thương.

Khi bị tiêu chảy, cần đưa ngay trẻ  đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, không để bệnh nhân ở nhà và tự ý điều trị vì có thể nguy hiểm đến tính mạng, làm lây lan mầm bệnh gây dịch cho gia đình và cộng đồng (nếu do vi khuẩn hoặc virus gây bệnh).

  1. Để ngăn ngừa nguy cơ tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ, cần:

Tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm, cho trẻ ăn chín uống sôi.

Lựa chọn nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh để sử dụng.

Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch: rửa tay thật kỹ sau khi đi vệ sinh, sau khi cho trẻ đi vệ sinh, trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ và trước khi cho trẻ em.

Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về điều trị, đặc biệt là thuốc kháng sinh, vì điều này có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Chỉ sử dụng thuốc sau được khám, tư vấn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Cao Nhung, TTYT Tiên Yên