Trong thời gian gần đây, Trung tâm Y tế Tiên Yên tiếp nhận rất nhiều trẻ em bị bỏng. Bỏng do nhiều tác nhân gây ra, thường gặp nhất ở trẻ em là bỏng do nước sôi. Ngoài ra có thể là do dầu mỡ sôi, lửa hoặc điện, hóa chất. Tổn thương bỏng rất đa dạng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động. Ngoài ra các vị trí bỏng ở vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục cũng rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản.
Mới đây nhất trường hợp bệnh nhân Vòong Thị X (10 tuổi) trú tại Thôn Đồng Mộc xã Đông Ngũ – Tiên Yên bị bỏng diện rộng độ I, II, III cánh tay P, cổ P, nách P, lớp da đã bị trợt và có nhiều nốt phỏng nước. Theo người nhà kể trong lúc tắm không may trẻ bị nước nóng vả vào 1 bên cơ thể gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Trường hợp thứ hai bé Hà Văn C (1 tuổi) trú tại Phong Dụ – Tiên Yên vào viện với tình trạng bỏng bàn chân trái độ I, II, tại chỗ bỏng đã phỏng nước và trợt da. Trẻ bỏng do cho bàn chân trái vào chậu nước sôi khi đang chuẩn bị tắm.
Cả 02 bệnh nhân đã được đưa vào TTYT Tiên Yên, được các bác sỹ xử trí, điều trị và chăm sóc tại khoa Ngoại tổng hợp.
Qua những sự cố đáng tiếc khiến bé bị bỏng, bố mẹ cần lưu ý những khuyến nghị khi tắm cho bé để giữ cho con mình được an toàn.
Hướng dẫn các bước sơ cứu trẻ khi bị bỏng nước nóng:
Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước mát và sạch cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 – 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương.
Tuyệt đối không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ.
Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.
Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch.
Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.
Tuyệt đối không được dùng nước mắm, kem đánh răng,… hoặc các loại thuốc mỡ bôi để đắp lên vết bỏng. Việc sơ cứu không đúng cách sẽ khiến tình trạng bỏng nặng thêm gây khó khăn trong điều trị. Khi trẻ bị bỏng cha mẹ hoặc người thân cần bình tĩnh, nhanh chóng, nhẹ nhàng khi sơ cứu tránh trẻ bị sốc.
Điều quan trọng là cần phòng tránh nguy cơ gây bỏng cho trẻ. Trẻ nhỏ vốn hiếu động, tò mò,… do đó cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, sắp xếp đồ đạc mọi thứ quanh nhà hợp lý.
Để phích nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa,… ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới được.
Bố trí bếp và nơi nấu ăn hợp lý, cao để trẻ không với tới được hoặc có vách ngăn không cho trẻ tới gần. Khi nấu ăn luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong.
Không để trẻ nhỏ tự tắm bằng vòi nước nóng lạnh, Thử nhiệt độ nước bằng tay trước khi xịt trực tiếp vòi hoa sen vào bé.
Không để trẻ một mình hoặc không để anh, chị của bé trông bé trong phòng tắm. Trẻ con rất hiếu động và có thể vặn vòi nước sang chế độ nóng gây bỏng. Luôn để vòi nước ở chế độ lạnh trước khi pha nước nóng.
Trong trường hợp nhà không có bình nóng lạnh, bắt buộc phải đun nước nóng pha vào chậu thì không được để trẻ một mình hoặc ở gần chậu nước nóng, luôn phải có sự trông chừng của người lớn.
Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu tránh xa trẻ để không va đụng. Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. Không nên ăn thức ăn nóng khi bế trẻ nhỏ,…