Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên điều trị nội khoa thành công cho bệnh nhi vỡ lách độ IV

Ngày 23/02/2023 vừa qua, Bệnh nhi N G N ( 11 tuổi), trú tại thị trấn Tiên Yên – huyện Tiên Yên- Quảng Ninh được người nhà đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên trong tình trạng đau đầu, đau bụng vùng thượng vị, xây sát sưng nề mạn sườn trái, ấn đau tức do tai nạn giao thông bị xe máy quệt vào.

Dựa trên thăm khám các kết quả xét nghiệm, chụp chiếu. Bác sĩ Phương Trung Thành- Khoa Hồi sức- Tích cực- Chống độc cùng các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp chẩn đoán bệnh nhi bị chấn thương vô cùng nghiêm trọng: Vỡ lách độ IV, dịch tự do ổ bụng, đụng giập ít nhu mô và tràn ít dịch màng phổi hai bên, gãy xương sườn số 9 bên trái.

Nhận thấy tình trạng của bệnh nhi rất nguy cấp. Lúc này Ban giám đốc cùng Thạc sĩ Phạm Văn Hùng- Trưởng khoa Hồi sức- Tích cực- Chống độc cùng các bác sĩ trong khoa và các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp đã hội chẩn từ xa với thạc sĩ Phạm Việt Hùng- trưởng khoa Ngoại bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Các bác sĩ đưa ra quan điểm nếu như trước đây, vỡ lách độ IV là mức độ nặng nề, đặc biệt là với bệnh nhi còn nhỏ tuổi. Với tình trạng này, nguy cơ cần phẫu thuật cắt bỏ lá lách để cầm máu cho bệnh nhân là rất cao. Bởi nếu chuyển tuyến trên thì nguy cơ tủ vong là rất lớn. Bệnh nhi phải nằm bất động tại chỗ.  Lá lách ngoài chức năng tiêu hồng cầu còn có chức năng rất quan trọng là miễn dịch giúp cho cơ thể chống đỡ lại các bệnh nhiễm trùng. Nếu phải cắt bỏ lá lách khi còn nhỏ như vậy, sức khoẻ của bệnh nhi sau này sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Thấu hiểu được điều đó, sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định không phẫu thuật mà lập tức tiến hành điều trị cầm máu tiếp tục theo dõi sát bảo tồn lá lách cho bệnh nhi.

Sự hội chẩn chuyên môn được đảm bảo chặt chẽ và liên tục giữa 2 khoa:   Hồi sức- Tích cực- Chống độc và Ngoại tổng hợp để theo dõi sát diễn biến của tình trạng bệnh .

Đây thực sự là một quyết định đầy khó khăn và mạo hiểm. Nhưng với kinh nghiệm chuyên môn dày dạn trong lĩnh vực Ngoại khoa, Hồi sức kết hợp với đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao; nguồn thuốc chất lượng; các trang thiết bị, máy móc theo dõi hiện đại, các bác sĩ quyết tâm bảo toàn lá lách cho bệnh nhi.

Sau 5 ngày điều trị tại khoa Hồi sức- Tích cực- Chống độc, các bác sĩ tại khoa đánh giá bệnh nhi đáp ứng tốt với phác đồ điều trị, tuy nhiên vẫn phải theo dõi sát sao tình trạng của bệnh nhi đề phòng chảy máu ổ bụng thứ phát có thể xảy ra. Trường hợp có dấu hiệu chảy máu diễn tiến hoặc thứ phát, phải mổ để khâu lại lá lách hoặc cắt bỏ lá lách bị tổn thương của bệnh nhi để cầm máu.

Các bác sĩ đánh giá tình trạng của bệnh nhi sau 12 ngày điều trị

Và không phụ sự tận tâm tận lực của các y bác sĩ; sự túc trực, chăm sóc của đội ngũ điều dưỡng giữa 2 khoa. Sau 12 ngày điều trị tích cực với cùng phác đồ: Hồi sức, giảm đau, truyền dịch, kháng sinh, oxy…cùng với theo dõi liên tục từng giờ, sức khoẻ bệnh nhi đã dần hồi phục, tình trạng lâm sàng của bé đã ổn định, các chỉ số xét nghiệm trở về bình thường, lá lách được bảo tồn và có thể ra viện trong 1 vài ngày tới.

Bác sĩ thăm khám lại bệnh nhi sau 12 ngày điều trị

Có được kết quả tuyệt vời trên, không chỉ nhờ vào kinh nghiệm chuyên môn cao, dày dạn của đội ngũ y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên. Nếu người bác sĩ không nghĩ cho bệnh nhi, đặt sức khoẻ của bệnh nhi lên hàng đầu mà chỉ quan tâm giải quyết nhanh chóng ca bệnh thì sẽ không thể chứng kiến khoảnh khắc hạnh phúc trọn vẹn của bệnh nhi và gia đình người bệnh.

Qua đây các bác sĩ khuyến cáo: Những trường hợp chấn thương vùng bụng dưới sườn nếu có biểu hiện bầm thành bụng, đau bụng sau ngã phụ huynh nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Nếu không được can thiệp kịp thời có thể  gây nguy hiểm cho trẻ.

Cao Nhung, TTYT Tiên Yên