Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh (27/12) là sáng kiến của Việt Nam trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ cùng với 5 quốc gia khác. Vào ngày này 27/12 hàng năm, tất cả quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc sẽ cùng nhau kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh nhằm tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh dịch từ đó có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn ở cấp độ toàn cầu. Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh năm nay được ngành Y tế tổ chức thực hiện với mục đích nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân và cộng đồng; tăng cường sự tham gia của chính quyền và xã hội trong việc chủ động, sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, các thông điệp truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12) năm 2023 với chủ đề “Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh”, được Bộ Y tế đã xây dựng bao gồm:
- Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh;
- Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác;
- Chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở;
- Phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng;
- Thường xuyên rửa tay, vệ sinh cá nhân để phòng, chống dịch bệnh;
- Ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng, chống dịch bệnh;
- Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nơi ở để ngăn ngừa mầm bệnh phát triển;
- Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng, chống dịch bệnh;
- Quan hệ tình dục an toàn để phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục;
- Thực hiện lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng;
- Không tiếp xúc động vật ốm, chết và không sử dụng thực phẩm không an toàn;
- Phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân: giữ ấm cơ thể; thể dục, thể thao; nâng cao thể trạng;
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám kịp thời;
- Không tự ý mua, sử dụng kháng sinh để phòng và chữa bệnh;
- Thực hiện 2K (Khẩu trang-Khử khuẩn) để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm;
-
- Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng, tại các địa điểm tập trung đông người.
Cần sự chung tay của người dân cùng ngành Y tế phòng chống dịch bệnh
Ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân là yếu tố quyết định mang lại sự thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Khi người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm, hành động tích cực, tự giác sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào mỗi gia đình, mỗi địa bàn, từ đó góp phần phòng bệnh cho cả cộng đồng. Không ai có thể đảm bảo mình sẽ an toàn khi cộng đồng còn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Do đó, để phòng chống dịch bệnh tốt trên địa bàn Huyện ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể cần sự chung tay của toàn thể nhân dân. Người dân cần tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo phòng bệnh của ngành Y tế.
Đối với các bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như cúm, viêm phổi do phế cầu,… người dân nên chủ động tiêm vắc xin để phòng bệnh. Đặc biệt các bệnh có vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván,… cần đảm bảo trẻ em trong gia đình được tiêm đủ các mũi vắc xin này. Đối với các bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh như sốt xuất huyết người dân cần tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi, thực hiện các biện pháp dự phòng để phòng, chống dịch bệnh.Với tình hình các dịch, bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan và gây dịch trong thời điểm giao mùa và trong kỳ nghỉ lễ, Tết, mùa lễ hội đầu năm sắp tới toàn dân cần chung tay cùng ngành Y tế để phòng, chống dịch bệnh.