Mùa hè đang đến gần trẻ được nghỉ học, vui chơi và thỏa sức khám phá. Cũng chính vì thế, mùa hè cũng chính là thời điểm xảy ra nhiều tai nạn ở trẻ nhất. Bởi trong khi trẻ có nhiều thời gian vui chơi hơn thì phụ huynh lại không có thời gian để quan tâm và chăm sóc.
Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em ở nước ta. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hôi, tỷ lệ tử vong do tai nạn, thương tích trẻ em ở Việt Nam cao so với các nước trên thế giới.
Dưới đây là một số phương pháp sơ cứu ban đầu cũng như cách phòng tránh một số tai nạn thương tích trẻ em thường xảy ra trong mùa hè.
Tai nạn đuối nước:
Trẻ em vốn dĩ rất thích nghịch nước, đặc biệt vào mùa hè nắng nóng, được tắm và ngâm mình trong dòng nước mát lạnh giúp các em có được những phút giây thật thoải mái sau những tháng ngày học tập căng thẳng. Tuy nhiên nếu không có sự giám sát chặt chẽ từ người lớn khi trẻ em bơi lội, chơi đùa trong ao, hồ, bể bơi…thì khả năng các em bị đuối nước là điều khó tránh.
* Nếu gặp nạn nhân bị đuối nước cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.
Bước 2: Cho nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí và giữ ấm. Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có còn chuyển động hay không. Nếu nạn nhân có dấu hiệu ngừng thở thì nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo: Đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ và nghiêng mình sang bên trái, dùng gạc hay khăn vải lau sạch dãi, chất thải hoặc dị vật ở miệng và mũi nạn nhân. Tiếp đến người cấp cứu cần thực hiện hà hơi thổi ngạt cho nạn nhân. Sau 5 lần hô hấp nhân tạo khi bắt mạch mà tim vẫn ngừng đập thì bước tiếp theo là phải ép tim ngoài lồng ngực.
Bước 3: Sau khi hô hấp nhân tạo mà mạch vẫn ngừng đập, người cấp cứu cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái cho đến khi mạch đập và thở lại bình thường.
Bước 4: Sau khi nạn nhân tỉnh lại cần đặt họ ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để tránh bị ngạt thở.
Bước 5: Sau sơ cứu ban đầu, người bị đuối nước đã tỉnh lại, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.
* Phòng tránh duối nước:
Phòng tránh tai nạn đuối nước không chỉ là việc riêng của mỗi gia đình, tuy nhiên, nếu phụ huynh trang bị cho các em những kiến thức cần thiết thì tai nạn đuối nước sẽ giảm đáng kể.
– Phụ huynh nên cho con học bơi ở các trường lớp có người quản lý.
– Dạy con nhận biết những nơi nguy hiểm không được bơi.
– Dùng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy.
– Dạy trẻ cách xử lý khi bạn chơi cùng bị đuối nước.
– Các bậc phụ huynh phải luôn quản lý được các hoạt động vui chơi của trẻ, không để các em tự do tắm sông, biển mà không có người lớn đi kèm.
– Phòng tai nạn đuối nước trong gia đình bằng cách rào quanh ao hoặc nơi có nước sâu để bảo vệ trẻ em.
- Điện giật
Điện giật là tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ em, nhất là trong mùa hè, khi trẻ chơi đùa ở nhà mà không có sự kiểm soát của bố mẹ. Trẻ em rất hiếu động và tò mò với mọi thứ mới lạ. Trong khi chơi, các em hay sờ vào các thiết bị điện trong nhà như tủ lạnh, nồi cơm, quạt… Điều này rất nguy hiểm bởi các thiết bị trên có thể bị hở điện.
* Xử trí khi bị điện giật:
Đầu tiên, muốn cứu sống nạn nhân, hãy tìm cách ngắt nguồn càng nhanh càng tốt bằng cách: rút phích cắm ra khỏi ổ cắm, tắt thiết bị hoặc tắt nguồn cung cấp điện, tắt cầu chì chính của căn nhà.
Nếu bạn không thể tắt được nguồn điện hay tách nạn nhân từ dây điện hoặc ổ cắm thì nhanh chóng tìm kiếm vật dụng như đồ gỗ nội thất khô bằng gỗ như chân ghế gỗ, hoặc cán chổi. Nêú có thể thì đi găng tay cao su và ủng cao su là những vật dụng cách điện tốt nhất để cứu nạn nhân mà không gây nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân.
Nếu bàn tay của nạn nhân bị co quắp và siết chặt lại do điện giật, bạn có thể đánh vào tay họ bằng gậy để nới nỏng tay ra rồi gỡ tay ra khỏi lưới điện. Sau khi bạn đã tách các nạn nhân ra khỏi dòng điện, rồi sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Trong trường hợp bệnh nhân ngừng tuần hoàn thì cấp cứu ngừng tuần hoàn cho nạn nhân như sơ cứu tai nạn đuối nước.
* Để phòng ngừa điện giật cho trẻ em, mỗi gia đình nên:
– Thiết kế các ổ điện và các dụng cụ điện, dây điện ngoài tầm với của trẻ. Nếu các ổ điện đã có sẵn, cần sử dụng nút bịt ổ điện hoặc bịt kín bằng băng dính với những ổ điện không dùng đến.
– Dạy trẻ không được nghịch các ổ điện, leo trèo cột điện, thả diều nơi có đường điện chạy qua.
– Rút dây cắm khi không sử dụng, nên sử dụng các thiết bị điện ở những khu vực khô ráo. Thường xuyên kiểm tra an toàn hệ thống điện.
- Bỏng
Trẻ em vốn rất hiếu động và hay tò mò, nhất là lứa tuổi lậm chậm biết đi, do chưa lường hết những nguy hiểm từ chính những tác nhân gây phỏng trong nhà như nước sôi, dầu ăn, cháo nóng, bàn ủi, hóa chất, pô xe, thậm chí bỏng do điện giật, những tác nhân nguy hiểm này lại được đặt ngay trong tầm với của trẻ, nên việc trẻ bị bỏng là điều khó tránh.
Theo các bác sĩ chuyên khoa bỏng, nguyên nhân gây bỏng chủ yếu là tai nạn trong sinh hoạt, trong đó, 75% là do nước sôi, các loại canh, mì, xúp, cháo nóng; 15% do lửa như xăng, cồn, than, bếp tro; còn lại là do điện, hóa chất…
* Sơ cứu khi gặp nạn nhân bị bỏng
Bước 1: Loại bỏ nguyên nhân gây bỏng càng sớm càng tốt như dập lửa, cởi bỏ quần áo đang cháy hoặc ngấm nước sôi, tách nạn nhân khỏi vật nóng…
Bước 2: dùng nước sạch để làm mát vùng bỏng chỉ có giá trị trong khoảng 30 phút đầu sau khi bị bỏng nên cần nhanh chóng ngâm vùng cơ thể bị bỏng vào nước mát. Đây là biện pháp đơn giản nhưng khá quan trọng trong sơ cấp cứu bỏng ban đầu. Nếu không thể ngâm cơ thể vào nước mát, có thể dùng cách dội nước mát hoặc đắp khăn mát lên vùng bị bỏng, tiến hành khoảng 15 đến 20 phút. Nếu mùa đông cần giữ ấm các phần khác của cơ thể.
Bước 3: Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để điều trị.
* Cách phòng tránh tai nạn bỏng cho trẻ:
– Trẻ nhỏ đang bò và tập đi luôn phải có sự kèm sát của người lớn.
– Kiểm tra độ nóng của nước tắm cho trẻ, tuyệt đối không để trẻ tự vặn vòi nước nóng.
– Các vật dụng nóng sôi, các chất dễ cháy, các chất sinh lửa phải để nơi an toàn, ngoài tầm với của trẻ.
– Trang bị cho bé những hiểu biết cơ bản về các vật dụng, tình huống có thể gây bỏng.
- Ngã
Ngã là tai nạn thường xảy ra ở trẻ em không chỉ trong mùa hè. Nguyên nhân chính là do sự hiếu động, thích chạy nhảy của trẻ. Trẻ chưa hiểu hết được sự nguy hiểm khi cố với những đồ dùng, đồ chơi trên cao, hoặc không nhận biết được những mặt sàn trơn, cầu thang dốc để tránh chạy nhảy. Nghiêm trọng hơn là khi trẻ đùa nghịch gần lan can, leo trèo ở những nhà cao tầng sẽ rất dễ xảy ra những tai nạn ngã thương tâm có thể dẫn đến tử vong.
Để tránh các tai nạn ngã cho trẻ, phụ huynh cần hết sức chú ý tới việc sát sao quản lý và trang bị kiến thức nhận biết nguy hiểm cho trẻ.
– Dạy trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm: nhảy từ trên cao, chạy nhảy ở những chỗ nguy hiểm, trơn trượt, leo trèo ở những nơi không an toàn như cây cao, cột điện, mái nhà, nhà cao tầng…
– Đồ dùng, đồ chơi của trẻ không để ở nơi cao quá tầm với của các em.
– Dạy trẻ cách đi cầu thang an toàn.
– Làm lan can cầu thang, tay vịn cầu thang, lắp chấn song cửa sổ, nhất là ở những căn hộ cao tầng.
– Luôn giữ sàn nhà, nhà tắm, sân… khô ráo, không trơn trượt, không mấp mô lồi lõm./.
Cao Nhung, TTYT Tiên Yên
Một số hình ảnh minh họa