TRUNG TÂM Y TẾ TIÊN YÊN Bệnh Basedow triệu chứng, cách điều trị và biện pháp phòng bệnh

Bệnh Basedow (hay còn gọi là bệnh Graves, bệnh Parry, bệnh bướu giáp độc lan tỏa hoặc bệnh cường giáp tự miễn) là một rối loạn miễn dịch dẫn đến tuyến giáp hoạt động quá tích cực. Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng nằm ở cổ, tiết ra hormone thyroid kiểm soát rất nhiều hoạt động của cơ thể. Khi tuyến giáp hoạt động quá mức sẽ làm cho hormone này tiết ra nhiều và gây ra bệnh cường giáp.

Có khoảng 2% nữ giới bị mắc bệnh Basedow, đôi khi xuất hiện sau khi sinh con, với tỷ lệ mắc bệnh nữ:nam là 7:1 đến 8:1. Yếu tố di truyền là yếu tố nguy cơ chính của khả năng mắc bệnh Basedow, với 79% nguyên nhân mắc bệnh là do di truyền.

  1. Nguyên nhân gây ra bênh Basedow?

Bệnh Basedow xảy ra do sự hoạt động bất thường của hệ miễn dịch (còn gọi là bệnh tự miễn). Khi đó, hệ miễn dịch sẽ tự tấn công ngược lại các mô trong cơ thể và dẫn đến tuyến giáp hoạt động bất thường. Chính sự hoạt động bất thường của cơ quan này làm cho hormone tuyến giáp được sản xuất nhiều hơn bình thường. Đây là bệnh có thể di truyền nhưng không lây lan cho người khác.

  1. Làm thế nào để nhận biết một người bị Basedow?

Bệnh Basedow trong trường hợp điển hình thường tương đối dễ nhận biết với các biểu hiện cường chức năng tuyến giáp, bướu giáp, biểu hiện mắt và phù niêm trước xương chày.

2.1 Các biểu hiện của cường chức năng tuyến giáp.

Người bệnh thường giảm sút hoạt động thể lực, dễ bị mệt, thấy tim đập nhanh thường xuyên hoặc có thể bị rối loạn nhịp tim, hay hồi hộp đánh trống ngực.

Cơ thể vã mồ hôi thường xuyên, da trở lên mịn và ẩm, kém chịu đựng thời tiết nóng.

Ăn nhiều, ngon miệng nhưng không tăng cân mà thậm chí còn gầy sút cân.

Hay thấy sôi bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày.

Thay đổi tính tình, hay cáu gắt, bồn chồn, lo lắng, có cơn bốc hỏa.

Kích thích mất ngủ gây mất ngủ kéo dài.

Run ở các đầu ngón tay.

Teo cơ hoặc yếu cơ vùng đùi.

Nam giới có thể bị giảm ham muốn sinh dục.

Nữ giới bị bệnh có thể có kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh.

Các biểu hiện trên tăng lên nhiều khi người bệnh xúc động hoặc phải gắng sức.

2.2 Các biểu hiện về mắt trong Basedow?

Người bệnh hay thấy cộm, chảy nước mắt, có cảm giác như bụi bay vào mắt gây nóng rát, 2 mắt lồi, thường hợp nặng 2 mắt có thể không nhắm kín. Nếu không được điều trị tốt có thể dẫn tới viêm loét giác mạc gây mù lòa cho người bệnh.

2.3 Bướu giáp.   

Người bệnh bị Basedow thường đi khám vì tự sờ thấy bướu to ở vùng cổ. Bướu giáp trong bệnh Basedow  thường to đều, lan tỏa cả 2 bên cổ, ít khi gây chèn ép. Khi sờ vào bướu có thể thấy rung do tăng dòng máu vào bướu giáp.

2.4 Phù niêm trước xương chày.

Da vùng cẳng chân có thể bị sùi lên từng mảng màu da cam tuy nhiên đây là biểu hiện hiếm gặp của bệnh.

  1. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh Basedow?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh của gia đình và các triệu chứng mà bạn đang có. Bác sĩ chuyên khoa sẽ cho chỉ định  xét nghiệm máu, đặc biệt là xét nghiệm miễn dịch để chẩn đoán xác định bệnh. Ngoài ra, siêu âm tuyến giáp, điện tim, siêu âm Doppler tim… cũng sẽ giúp hỗ trợ cho chẩn đoán và tiên lượng bệnh.

  1. Bệnh Basedow cần điều trị như thế nào?

Basedow là bệnh lý có thể kiểm soát bằng 1 trong 3 phương pháp có hiệu quả  và tùy theo chỉ định trên từng bệnh nhân cụ thể để áp dụng : dùng thuốc nội khoa, uống iod phóng xạ hay phẫu thuật. Bên cạnh đó người bệnh cũng cần biết những lưu ý về chế độ ăn và tập luyện, nghỉ ngơi giúp hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn.

4.1 Điều trị Basedow bằng thuốc:

Thuốc kháng giáp trạng: Phổ biến hiện nay bao gồm 2 nhóm là Thiouracil(P.T.U) và Methimazole. Các thuốc này có tác dụng làm tuyến giáp giảm sản xuất hormon và ức chế miễn dịch. Thời gian dùng thuốc với người bệnh phải kéo dài ít nhất 18 đến 24 tháng, bệnh có có thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng cũng dễ tái phát, thời gian điều trị càng ngắn càng dễ tái phát. Một điều cần lưu ý là các thuốc kháng giáp trạng có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm như giảm bạch cầu hạt và nhiễm độc với gan. Chính vì vậy người bệnh khi dùng thuốc phải được theo dõi định kỳ tại cơ quan y tế và phải được bác sỹ chuyên khoa Nội tiết khám và tư vấn điều trị thường xuyên.

4.2 Điều trị Basedow bằng uống iod phóng xạ:

Người bệnh uống iod phóng xạ có thể sẽ phá hủy các tế bào tuyến giáp làm giảm khả năng tổng hợp hormon giúp cải thiện bệnh.

Phương pháp này đơn giản, có hiệu quả giúp người bệnh tránh được các tác dụng phụ của thuốc kháng giáp trạng và phẫu thuật. Tuy nhiên việc sử dụng iod phóng xạ có thể gây ra suy chức năng tuyến giáp cho người bệnh về sau, có thể làm nặng thêm các biểu hiện ở mắt, chống chỉ định ở bệnh nhân có thai và cho con bú… Chính vì vậy chỉ điều trị iod phóng xạ cho các trường hợp nặng, không thể điều trị được bằng thuốc kháng giáp trạng hoặc tái phát nhiều lần.

4.3 Điều trị bằng phẫu thuật

Mục đích của phẫu thuật là cắt bỏ 1 phần tuyến giáp, chỉ giữ lại một phần nhỏ để duy trì chức năng sản xuất hormon.

Phẫu thuật là biện pháp điều trị có hiệu quả giúp giải quyết được những bướu giáp quá to, phục hồi lại thẩm mỹ cho người bệnh tuy nhiên biện pháp này cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như: suy chức năng tuyến giáp và tuyến cận giáp, gây giảm canxi trong máu, ảnh hưởng đến phát âm của người bệnh. Do đó phẫu thuật chỉ chỉ định cho bệnh nhân có bướu giáp quá to, có u giáp, nghi ngờ ung thư tuyến giáp hay các bệnh nặng không thể điều trị bằng thuốc và iod phóng xạ.

4.4 Cần lưu ý chế độ dinh dưỡng và tập luyện cho bệnh nhân:

Người bệnh Basedow cần được nghỉ ngơi, tránh hoạt động thể lực gắng sức, không hoạt động tinh thần căng thẳng.

Cơ thể người bị Basedow thường dễ bị gầy sút, suy kiệt nên cần khuyến khích ăn chế độ giàu đạm, calo, uống nhiều nước.

Vệ sinh thân thể hàng ngày để tránh nhiễm trùng da.

  1. Làm thế nào để phòng tránh bệnh Basedow?

Basedow là bệnh lý tự miễn dịch và hiện chưa hoàn toàn rõ nguyên nhân sinh bệnh nên chưa có biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa xuất hiện bệnh.

Đối với người đã bị Basedow  để tránh bệnh tái phát và phát triển thêm cần thực hiện các biện pháp sau:

+ Tránh hoạt động thể lực kéo dài

+ Tránh các căng thẳng thần kinh, strees

+ Không hút thuốc, tránh hút phải khói thuốc

+ Luôn đeo kính bảo vệ mắt khỏi khói bụi, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày.

+ Không sờ nắn nhiều lên vùng cổ, hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều iod

+ Thai sản có thể làm bệnh nặng thêm do đó cần điều trị dứt điểm bệnh trước khi mang thai

+ Tuân thủ điều trị và tái khám thường xuyên theo hẹn của bác sỹ.

Trước đây bệnh nhân Basedow đều phải chuyến lên tuyến trên điều trị. Nhưng hiện tại Trung tâm Y tế Tiên Yên với quy mô 200-250 giường bệnh, cơ sở điều trị ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang cùng với nhiều trang thiết bị hiện đại như các loại thiết bị, Xét nghiệm miễn dịch cobas e 411, máy siêu âm màu 4D; máy điện tim…. Với công nghệ điện hóa phát quang Cobas e 411 có thể thực hiện được hầu hết các Xét nghiệm miễn dịch: Về tuyến giáp, nội tiết sinh sản, viêm gan, bệnh lý tim mạch. Với sự hoàn thiện dần về trang thiết bị, Trung tâm luôn quan tâm chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên – xem đây là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng khám, chữa bệnh. Hiện tại Trung tâm có 01 thạc sỹ và 01 bác  sỹ chuyên khoa nội tiết, 01 bác sỹ CKI chuyên ngành Hóa sinh được đào tạo bài bản tại Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì vậy việc chẩn đoán và điều trị đối với bệnh nhân Basedow tại Trung tâm Y tế Tiên Yên sẽ giúp bệnh nhân  không phải chuyển đi các bệnh viện tuyến trên như trước đây, gây tốn kém cho người bệnh và quan trọng hơn đây là địa chỉ tin cậy của người bệnh, giúp bệnh nhân mau chóng khỏi bệnh, sống khỏe, sống lâu hơn.

Một số hình ảnh máy xét nghiệm tại TTYT Tiên Yên